|
Nghề báo cần: "Mắt sáng, lòng trong, bút sắc"
|
Nhà báo Ngô Hồng Đào - Tổng Biên tập báo Hậu Giang nhận định: "Cơ hội để các nhà báo thể hiện tài năng nhiều hơn so với trước đây. Các nhà báo được xông pha vào nhiều lĩnh vực và việc thể hiện ngòi bút của mình cũng dễ dàng hơn. Công chúng ngày càng nhìn nhận đúng hơn về lao động của nhà báo, tiếng nói của báo chí ngày càng có trọng lượng. Đảng và Nhà nước cũng có nhiều chính sách quan tâm tới người làm báo".
Tán thành ý kiến này, nhà báo Hồ Quang Lợi - Tổng Biên tập báo Hà Nội mới cho rằng: Những người làm báo ngày nay rất dễ dàng tiếp cận và tiếp thu nguồn tri thức đa dạng, phong phú, to lớn của nhân loại. Đa số nhà báo trẻ đều biết ngoại ngữ, thành thạo tin học. Điều kiện làm việc của các nhà báo tốt hơn trước, giúp nhà báo tác nghiệp nhanh hơn, thuận tiện hơn. Nhưng…
Phải không ngừng nỗ lực vươn lên
Sống trong "thế giới phẳng", người làm báo phải đối mặt với nhiều cạnh tranh. Hiện nay có rất nhiều phương tiện thông tin để người đọc, người nghe, người xem lựa chọn. Chính vì thế, "Chỉ có những tác phẩm hấp dẫn thì mới thu hút được sự quan tâm của công chúng. Tất nhiên chúng ta làm thông tấn thì không thể đòi hỏi lúc nào cũng phải có những tác phẩm thật hay. Nhưng hiện nay để có một tác phẩm báo chí, văn học có thể sống trong lòng bạn đọc, đòi hỏi người làm báo, người làm văn chương hết sức vất vả. Để người đọc, người xem tự nguyện đến và thích thú với tác phẩm của mình, đòi hỏi người làm báo phải hết sức cố gắng và luôn luôn học hỏi, có kiến thức thật rộng, thật sâu" - Nhà báo Hữu ước- Tổng Biên tập báo Công an nhân dân bày tỏ.
Biết vậy nhưng không phải nhà báo nào cũng có điều kiện học tập, nâng cao kiến thức. Hà Kim Chi - Tổng Biên tập Báo Lai Châu cho biết: Làm báo ở miền núi hiện nay đa phần vẫn là thủ công. Điều kiện để nâng cao trình độ của các nhà báo ở miền núi cũng gặp nhiều cái khó. Chia sẻ những trăn trở này, nhà báo Phạm Phi Thường - Giám đốc Đài PT-TH Cà Mau bộc bạch: "Anh em đất mũi Cà Mau, tận cùng phía Nam của Tổ quốc, cái gì cũng xa: xa trung ương, xa các trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị và xa cả các cơ sở đào tạo báo chí nữa".
Trước tình hình trên, công tác đào tạo, đào tạo lại và đào tạo nâng cao đang là vấn đề đặt ra hết sức cấp thiết. Nhà báo Tô Phán - Phó Tổng Biên tập báo Lao động, phân tích: "Những nhà báo trẻ hiện nay rất năng động, tiếp cận kỹ thuật công nghệ rất nhanh. Tuy nhiên, để có bề dày vốn sống, chiều sâu suy nghĩ để phân tích và xử lý thông tin thì phải có một quá trình. Vì vậy cách đào tạo thông qua công việc trực tiếp, nhất là thông qua sự kèm cặp, giúp đỡ của các nhà báo lớn tuổi giầu kinh nghiệm, với lớp nhà báo trẻ trung, sung sức và năng động sẽ có tác dụng rất tốt”. Về điểm này, kinh nghiệm tích lũy qua cả một đời làm báo thì rất nhiều, tuy nhiên nhà báo lão thành Hữu Thọ chỉ lưu ý các nhà báo trẻ một đúc kết giản dị mà chí lý: "Giữa nhanh và sự chính xác, thì các bạn phải chọn lựa sự chính xác. Sự chính xác của báo chí là cực kỳ quan trọng".
Còn nhà báo lão thành Phan Quang chân tình khuyên: Chúng ta phải bám sát yêu cầu của nhân dân. Mà yêu cầu của nhân dân đối với người làm báo cũng chính là yêu cầu của đất nước.
Nhà báo Nguyễn Thị Hằng Nga - Chủ tịch Hội nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: "Người làm báo hôm nay phải tự vươn lên rất nhiều. Người đọc và cuộc sống đòi hỏi rất cao ở người làm báo. Do đó yêu cầu về tính trách nhiệm đối với người làm báo cũng rất lớn…
Chính vì thế mà nhà báo, nhất là thế hệ những người làm báo trẻ tuổi cần không ngừng nỗ lực vươn lên trong học tập, rèn luyện bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ để "mắt sáng, lòng trong, bút sắc", đáp ứng yêu cầu của nhân dân, của đất nước trong thời kỳ mới.
Mai Hồng
|