• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Nghệ nhân Cơ Tu miệt mài giữ nghề truyền thống

(Chinhphu.vn) - Dù bận rộn việc nương rẫy, nhưng mỗi ngày, các nghệ nhân Cơ Tu vẫn dành thời gian cho việc đan lát với mong muốn gìn giữ nghề và bảo tồn văn hóa truyền thống của người Cơ Tu không bị mai một...

Bài viết Lưu Hương

30/01/2022 09:36

Ở Quảng Nam, người Cơ Tu sống tập trung ở 3 huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang. Họ giỏi nghề điêu khắc gỗ, trang trí nhà Gươl, dệt thổ cẩm, đan lát mây tre...

Nghề đan lát mây tre của người Cơ Tu đã có từ lâu đời, gắn liền với quá trình lao động, sinh hoạt của đồng bào. Ngày nay, khi cuộc sống phát triển, nhiều gia đình người Cơ Tu dần ưa dùng các vật dụng làm bằng nhựa, inox tiện lợi, vì thế số người giữ nghề và theo nghề đan lát truyền thống Cơ Tu cứ thế vơi dần.

Tại xã Sông Kôn, huyện miền núi Đông Giang, bà con nơi đây ai cũng quý già BLinh Bloó, người vừa có đôi bày tay khéo léo vừa giàu tâm huyết yêu nghề, giữ nghề truyền thống của cha ông mình.  

Già BLinh Bloó chia sẻ: Đan lát là nghề truyền thống có từ lâu đời người Cơ Tu, cứ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác trong gia đình truyền nghề cho nhau. Già học được từ ba mình cách đan giỏ, đan gùi, đan mâm và các dụng cụ trỉa lúa, thu lúa... để phục vụ đời sống sinh hoạt gia đình và chia sẻ cho bà con thôn xóm.

"Để làm ra các sản phẩm đan lát truyền thống, phải qua nhiều công đoạn thủ công, đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ. Bắt đầu từ việc vào rừng chọn nguyên liệu, sau đó chẻ sợi, phơi khô rồi mới đan sản phẩm", già Bloó cho biết.

Đến nay, khi tuổi đã cao, già Bloó muốn truyền được nghề cho lớp trẻ. Vào ngày cuối tuần, tận dụng những lúc rảnh rỗi, già Bloó thường gọi bọn trẻ  trong thôn đến nhà để dạy những kỹ thuật đan lát cơ bản của người Cơ Tu với mong muốn thế hệ con cháu yêu nghề, giữ nghề truyền thống mà ông cha để lại.

photo-1641693894638

Cứ ngơi tay việc nương rẫy, già ALăng Phương (thôn Ra Ê, xã A Ting, huyện Đông Giang) lại cần mẫn đan lát - Ảnh:VGP/Lưu Hương

Cũng như già BLinh Bloó, cứ ngơi tay việc nương rẫy, già ALăng Phương, thôn Ra Ê, xã A Ting, huyện Đông Giang lại cần mẫn, miệt mài bên các loại nguyên vật liệu mây, tre, nứa,... để tạo ra các sản phẩm đan lát truyền thống của người Cơ Tu.

Già ALăng Phương cho biết kỹ thuật đan lát của người Cơ Tu không khó, nhưng đòi hỏi tính kiên trì. Để tạo được một sản phẩm đan lát vừa đẹp vừa tinh xảo phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của người đan, từ khâu tìm kiếm vật liệu đến sơ chế, kỹ thuật đan.

Để kiếm được nguyên vật liệu ưng ý, già Phương phải đi vào rừng sâu từ sáng sớm cho tới lúc trưa tròn bóng để lấy mây, nứa, về trau chuốt, chẻ, phơi rồi đan sản phẩm.

Mỗi ngày làm một chút. Hôm thì ngồi chẻ tre, vót nứa, ngâm nước; bữa thì ngồi đan, tạo sản phẩm... có sản phẩm trau chuốt phải 15 ngày mới xong.

Theo già ALăng Phương, lớp trẻ Cơ Tu ngày nay năng động, đi học rồi làm những việc có thu nhập cao hơn, còn nghề đan lát lại đòi hỏi sự tỉ mỉ, giá trị kinh tế không cao, đầu ra sản phẩm tiêu thụ ít nên các cháu ít theo nghề.

Mới đây, già ALăng Phương và một số nghệ nhân trong làng được huyện Đông Giang mời truyền dạy tại lớp học về nghề đan lát cho gần 50 học viên trẻ Cơ Tu của xã A Ting.

photo-1641693901539

Chị Cơ Lâu Thị Bình tiếp nối nghề đan lát truyền thống của người Cơ Tu - Ảnh:VGP/Lưu Hương

Chị Cơ Lâu Thị Bình, thôn Ra Ê, xã A Ting chia sẻ sau một tuần tham gia lớp học, chị rất phấn khởi vì đã nắm được kỹ thuật cơ bản của nghề đan lát.

"Với người Cơ Tu, trước đây đan lát chủ yếu là nghề của đàn ông, con trai, nên ban đầu khi tham gia lớp học tôi rất bỡ ngỡ. Tuy nhiên, được sự chỉ bảo tỉ mỉ của các già làng, tôi đã biết đan lát. Nay cứ khoảng 5-6 ngày có thể hoàn thành được một sản phẩm. Tôi thấy rất tự hào về nghề truyền thống của dân tộc mình và mong muốn theo nghề, đưa nghề đan lát phát triển, mang lại thêm thu nhập cho bản thân mình cũng như lớp trẻ người Cơ Tu", chị Bình chia sẻ.

Khôi phục và bảo tồn văn hóa gắn với phát triển kinh tế

Là địa phương miền núi với hơn 75% dân số là đồng bào Cơ Tu, huyện Đông Giang đã xác định việc khôi phục và bảo tồn văn hóa của đồng bào gắn với phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng.

Ông Cơ Lâu Bắc, Phó Chủ tịch xã A Ting cho biết, cùng với chính sách bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số và sự giúp đỡ của các nghệ nhân tâm huyết, đến nay xã đã có một số bạn trẻ, tiêu biểu như Cơ Lâu Thị Bình đã nối tiếp, lưu giữ nghề đan lát truyền thống.

photo-1641693905719

Huyện Đông Giang sẽ tìm giải pháp để các nghề truyền thống tại địa phương trở nên phổ biến hơn - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Theo ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, trên địa bàn huyện, nghệ nhân duy trì nghề đan lát hiện nay không còn nhiều, chủ yếu tập trung ở xã A Ting, xã Sông Kôn, xã A Rooi.

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào Cơ Tu, thời gian qua, huyện đã tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ, khôi phục nghề truyền thống của bà con. Đến nay, địa phương đang khôi phục và giữ gìn một số nghề truyền thống như dệt vải, đan lát mây tre...

Từ năm 2016-2020, huyện đã có nhiều đợt tập huấn hướng dẫn, người trẻ học người già, người già truyền lại cho người trẻ...

Sắp tới, huyện sẽ tìm thêm giải pháp để các nghề truyền thống tại địa phương trở nên phổ thông hơn như đưa vào dạy trong các trường học hay xây dựng chỉ tiêu thi đua trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Trong năm 2022 khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động du lịch khởi động lại, huyện sẽ triển khai tổ hợp tác đan lát để giữ nghề cùng với tìm thị trường cho sản phẩm.

Chính quyền địa phương cùng các cấp ngành sẽ giới thiệu với các doanh nghiệp, nhà đầu tư khai thác tối đa nghệ thuật đan lát này để sản phẩm thích ứng được với thị trường hàng hoá, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam bày tỏ mong muốn.

Lưu Hương