Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nghị quyết nêu rõ, những năm qua, nhất là từ sau Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa 8, Đảng và Nhà nước ta đã tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và đạt được một số kết quả nhất định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Nhiều cán bộ, đảng viên giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, đi đầu trong cuộc đấu tranh này. Nhiều vụ án tham nhũng, trong đó có những vụ án lớn, phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng đã được phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, hiệu quả thấp. Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.
Nghị quyết đã chỉ ra nguyên nhân chủ yếu của những thiếu sót, khuyết điểm trong phòng chống tham nhũng, lãng phí là do: Cơ chế, chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, còn nhiều sơ hở, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; Tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nói chung, của bộ máy Nhà nước nói riêng còn nhiều khuyết điểm, chất lượng và hiệu quả chưa cao; Nhiều tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính nghiêm trọng, sự nguy hại của tệ tham nhũng, lãng phí, nên lãnh đạo không chặt chẽ, thiếu kiểm tra, đôn đốc, thậm chí còn nể nang, né tránh, dung túng, bao che cho tham nhũng, lãng phí; Công tác cán bộ nói chung và việc quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức nói riêng còn nhiều yếu kém.
Nghị quyết nhấn mạnh mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là: Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; Tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; Củng cố lòng tin của nhân dân; Xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính.
Để thực hiện mục tiêu trên, Nghị quyết đưa các chủ trương, giải pháp cụ thể sau: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức Đảng và đảng viên, tăng cường vai trò của chi bộ trong quản lý, giáo dục đảng viên; Tiếp tục hoàn thiện công tác cán bộ phục vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế, xã hội; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng; Thực hiện tốt công tác truyền thông về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Xây dựng các cơ quan, đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng; Tăng cường giám sát của nhân dân và cơ quan dân cử; Hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng./.
(Theo VOV)