Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Góp ý về kiến nghị xử lý kiểm toán, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho rằng, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Đại biểu đề nghị, trong nhiệm kỳ tới, báo cáo hằng năm của kiểm toán cần nêu rõ hơn về những kiến nghị đối với từng đơn vị cụ thể báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo với Quốc hội để có các giải pháp để thực hiện đúng quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước.
“Đề nghị các đơn vị được kiểm toán, khi bị kiến nghị về các xử lý vấn đề tài chính, cũng như xử lý các vấn đề liên quan đến các quy định của văn bản… đề nghị kiểm toán tổng hợp lại báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội. Tôi cũng đề nghị các đơn vị được kiểm toán đã bị chỉ ra các sai phạm về xử lý tài chính mà không thực hiện, thì cũng phải có giải trình rõ ràng về việc tại sao không thực hiện”, đại biểu Nguyễn Trường Giang phát biểu.
Đề cập đến thực trạng hiện nay chưa thực hiện được kiểm toán 100% các báo cáo tài chính của cơ quan, tổ chức Nhà nước thuộc diện phải kiểm toán hằng năm, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phân tích, nguyên nhân là do lực lượng kiểm toán mới chỉ đảm bảo được 78% số lượng biên chế trong chiến lược phát triển đến năm 2030. Tuy nhiên, theo đại biểu, cần phải thực hiện các giải pháp khác, chứ không chỉ tăng số lượng kiểm toán.
“Tôi xin kiến nghị, thứ nhất là cần phải sử dụng các tổ chức kiểm toán độc lập để tham gia vào quá trình kiểm toán. Nếu sử dụng kiểm toán độc lập, chúng ta vừa tiết kiệm được nhân sự bộ máy, đồng thời thực hiện được cơ chế giám sát trên-dưới độc lập, khách quan hơn. Thứ hai là phải tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong kiểm toán. Trong Luật Kiểm toán cũng cho phép kiểm toán được quyền truy cập khai thác các dữ liệu về điện tử”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Quách Thế Tản (đoàn Hòa Bình) nêu quan điểm, tỉ lệ xử lý các văn bản mà Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị sang Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của Tổng kiểm toán Nhà nước mới đạt 17,3%, như vậy quá thấp.
Để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong vấn đề quản lý tài chính, đại biểu đề nghị: “Đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan của địa phương thực hiện nghiêm các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Đồng thời xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân sai phạm nhiều trong vấn đề quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công để siết chặt kỷ cương, sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước”.
Giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu quan tâm về kiến nghị kiểm toán chưa thực hiện được một cách triệt để, hằng năm như vẫn còn 25%, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết lý do là vì những khoản mà kiểm toán Nhà nước đề nghị truy thu, hay là đề nghị giảm quyết… phụ thuộc vào nguồn vốn. Ví dụ, như khoản chi sai chế độ, các khoản như công trình đã quyết toán trả cho nhà thầu, kiến nghị do chi sai do không phù hợp với định mức. không phù hợp với dự toán, không phù hợp với đơn giá.
Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc khẳng định, chất lượng kiểm toán là vấn đề sống còn đối với tính chuyên nghiệp của Kiểm toán Nhà nước: “Về công khai kết luận kiểm toán, chúng tôi thực hiện các hình thức công khai như trong Luật Kiểm toán Nhà nước tương đối nghiêm và sắp tới sẽ làm tốt hơn. Về kiểm soát chất lượng kiểm toán, chúng tôi thực hiện luân chuyển các địa bàn kiểm toán, thực hiện kiểm toán, kiểm soát chất lượng đột xuất và sử dụng bộ máy thanh tra, kiểm toán, kiểm tra chéo. Chúng tôi cho rằng, chất lượng kiểm toán là vấn đề sống còn đối với tính chuyên nghiệp của Kiểm toán Nhà nước”.
Chiều nay, Chủ tịch nước trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ. Sau đó các đại biểu sẽ thảo luận ở đoàn về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ.
Cũng trong chiều nay, các đại biểu thảo luận ở hội trường về quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.
Hải Liên