Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cụ thể, các đối tượng thường sử dụng tài khoản Facebook, Zalo, trang Fanpage… đăng tải thông tin quảng cáo, mua bán tiền giả công khai trên không gian mạng với đủ mệnh giá. Chỉ cần tìm kiếm với một số từ khóa thông dụng như "tiền giả", "triệu giả", "polime", "T.I.Ề.N.G.I.Ả",… người dùng mạng xã hội có thể dễ dàng tìm thấy thông tin quảng cáo, rao bán tiền giả.
Thủ đoạn các đối tượng thường sử dụng là dùng kỹ thuật quay phim, chụp ảnh để quảng cáo, tạo niềm tin với người tiêu dùng với những nội dung như "mua 1 triệu đồng tiền thật được 10 triệu đồng tiền giả", "tiền giả giống tiền thật đến 99%", "tiêu dùng thoải mái không lo phát hiện"… nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.
Các đối tượng mua, bán tiền giả thường giao dịch qua tài khoản mạng xã hội để thống nhất số lượng, giá cả, phương thức giao dịch và phương thức thanh toán; sử dụng tài khoản ảo, sim rác để che giấu nhân thân, lai lịch gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Trong đó, tháng 1/2022, Công an thành phố Hồ Chí Minh phát hiện, bắt giữ 04 đối tượng cùng ngụ tại huyện Hóc Môn có hành vi rao bán tiền giả; tháng 3/2022, tháng 4/2022, Công an tỉnh Bến Tre đã khởi tố 04 bị can để điều tra hành vi tàng trữ, lưu hành tiền giả, triệt phá đường dây tàng trữ, lưu hành tiền giả lớn...
Bộ Công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không được sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, vì đây là những hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Căn cứ theo Điều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người vi phạm có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm; phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Khi phát hiện tiền giả và các hành vi như làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, đề nghị thông báo kịp thời đến cơ quan chức năng (Công an, Biên phòng, Hải quan…); đồng thời, giao nộp tiền giả cho các cơ quan chức năng nêu trên hoặc Ngân hàng Nhà nước nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật./.