Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nghiên cứu bao gồm nhiều chỉ tiêu đánh giá sẽ được thực hiện với gần 3.000 trẻ em dưới 12 tuổi trên phạm vi toàn quốc.
Các nhà khoa học sẽ sử dụng phương pháp đo lường (đã được quốc tế chứng nhận) để đánh giá về chế độ dinh dưỡng, chế độ ăn uống (bao gồm cả lượng thức ăn, thói quen ăn uống, sự hấp thụ dinh dưỡng); hoạt động thể chất; đo loãng xương; đánh giá khả năng nhận thức và phát triển; nhân trắc học (bao gồm các phép đo cân nặng, chiều cao, chiều cao khi ngồi, chiều dài cánh tay trên, bề rộng, chu vi, đàn hồi da…); phân tích hóa-sinh về máu (phân tích lượng chất sắt, vitamin, bộ mỡ và huyết áp).
So với các nghiên cứu trước đây về dinh dưỡng trẻ em từng thực hiện tại Việt Nam, công trình nghiên cứu này không chỉ xem xét về chế độ dinh dưỡng mà còn đánh giá mối tương quan giữa chế độ dinh dưỡng với sự phát triển trí tuệ và vận động thể lực của trẻ em. Từ đó đưa ra những kết quả cụ thể về tình trạng phát triển của trẻ em Việt Nam so với trẻ em cùng lứa tuổi tại các quốc gia khác trong khu vực.
Kết quả chuyên sâu này sẽ hỗ trợ người tiêu dùng Việt Nam tự kiểm soát và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hàng ngày nhằm đảm bảo sức khỏe, góp phần nâng cao chất lượng dinh dưỡng và củng cố kiến thức dinh dưỡng góp phần từng bước cải thiện sức khỏe và thể lực của người dân Việt Nam.
Sau khi phân tích toàn bộ dữ liệu thu thập được, dự kiến kết quả nghiên cứu sẽ được công bố trong năm 2012.
Theo TS. Lê Danh Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, trong những năm gần đây, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam đã giảm đáng kể.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân của trẻ em đã giảm từ 18,9% năm 2009 xuống còn 17,5% năm 2010; tình trạng cơ thể thấp còi đã giảm từ 32,9% năm 2009 xuống còn 29,3% năm 2010.
Mặc dù vậy, ở các vùng khó khăn, suy dinh dưỡng trẻ em còn ở mức cao và ở khía cạnh khác, tại một số đô thị đã xuất hiện một số trẻ bị thừa cân, béo phì. Đây là điều chúng ta cần chú ý trong thực hiện chiến lược nâng cao sức khỏe và thể chất người Việt Nam nói chung.
Nguyệt Hà