Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ Tài chính cho biết: Sau gần 10 năm thi hành Luật Giá, công tác quản lý điều tiết giá của Nhà nước đã được thực hiện hướng đến khuyến khích cạnh tranh về giá, tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, tôn trọng các quy luật kinh tế khách quan chi phối sự hình thành và vận động của giá cả thị trường, bảo đảm vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế, phù hợp với các cam kết quốc tế.
Qua đó, công tác quản lý, điều tiết giá đã góp phần kiểm soát lạm phát hằng năm theo mục tiêu, ổn định kinh tế vĩ mô. Hệ thống giá điện, nước sạch cho sinh hoạt, xăng dầu, dịch vụ công từng bước được điều hành theo cơ chế thị trường có lộ trình, thu hẹp danh mục hàng hoá do Nhà nước định giá, không thực hiện bù lỗ, bù giá, bao cấp qua giá…
Những kết quả này đã góp phần thúc đẩy sự chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh theo thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động theo các tín hiệu về cung cầu, giá cả thị trường, tạo điều kiện huy động, phân bổ và vận dụng hợp lý hơn các nguồn lực của đất nước, góp phần tạo nên tốc độ phát triển cao của nền kinh tế.
Tuy nhiên, quá trình thi hành Luật Giá đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, không phù hợp với thực tiễn, một số vấn đề mới phát sinh cần được tháo gỡ kịp thời, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
Đó là, danh mục hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá, danh mục hàng hoá và dịch vụ bình ổn giá trong thực tế đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung; về xác định phạm vi và áp dụng biện pháp bình ổn giá chưa linh hoạt, công tác hiệp thương giá còn hạn chế, công tác kiểm tra thanh tra giá chưa có các quy định cụ thể, dịch vụ thẩm định giá phát triển nóng, công tác phân tích và dự báo giá cả thị trường chưa có quy định cụ thể điều chỉnh hoạt động này…
Bên cạnh đó là hạn chế giữa Luật Giá với các luật chuyên ngành khác có những quy định trùng lặp, thậm chí có quy định chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Giá.
Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá, việc sửa đổi Luật Giá là hết sức cần thiết để khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập nêu trên, bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật dân sự kinh tế, tạo thuận lợi cho tổ chức thực hiện; thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường; đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính tạo môi trường bình đẳng, thông thoáng, minh bạch; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay.
Đại diện cơ quan soạn thảo, ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), việc sửa đổi Luật Giá để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân công và phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương trong điều hành giá, Bộ Tài chính tập trung vào công tác quản lý Nhà nước, xây dựng các kịch bản điều hành giá theo quý, theo năm để bảo đảm cân đối vĩ mô…
Trong đó, dự thảo lần này bám sát 9 nhóm nội dung lớn về công tác quản lý, điều hành, kiểm tra về giá, làm rõ quy định về quyền và trách nhiệm của các cơ quan quản lý giá…
Dự thảo lần này cũng đưa ra khỏi danh mục hàng hoá và dịch vụ định giá của Nhà nước đối với 15 mặt hàng chưa bảo đảm 4 tiêu chí của dự thảo luật. Đồng thời, cũng đang nghiên cứu để đưa thêm vào danh mục quản lý của Nhà nước đối với 5 nhóm mặt hàng mới gồm: sách giáo khoa, dịch vụ thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, hàng hoá phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng an ninh do Nhà nước sản xuất, vật liệu nổ công nghiệp, dịch vụ vận chuyển phân phối khí thiên nhiên.
Đại diện Bộ GD&ĐT nhất trí với việc đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hoá do Nhà nước định giá, việc này đã được Bộ đề xuất từ năm 2020, đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Tuy nhiên, dự thảo Luật Giá sửa đổi giao thẩm quyền và hình thức định giá cho Bộ GD&ĐT quyết định giá tối đa, Nhà xuất bản tự quyết định giá cụ thể đối với mặt hàng sách giáo khoa.
Theo ông Đặng Công Khôi, dự thảo Luật Giá xây dựng quy định theo hướng giao cho các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm về định giá, vì thế dự thảo Luật Giá dự kiến bỏ cấp Chính phủ và Thủ tướng định giá. Tuy nhiên, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) lại cho rằng, đối với một số mặt hàng thiết yếu như giá bán lẻ điện, xăng dầu thì vẫn cần thiết có cấp cao nhất định giá vì những mặt hàng này có tác động rất lớn để sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội nên cần thiết phải có hiệp thương liên ngành để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định giá.
Đồng tình với quan điểm này, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, giá bán lẻ điện và giá xăng dầu tác động mạnh đến đời sống nhân dân, CPI, nên tiếp tục giao thẩm quyền cho Chính phủ, Thủ tướng trong việc điều hoà, phân phối giá là hợp lý.
Đại diện các bộ, ngành cho biết, định giá danh mục hàng hoá và dịch vụ là lĩnh vực khó, nhất là trong việc định giá các loại chi phí dịch vụ trong phạm vi quản lý nhà nước của từng ngành khi phải xác định, xây dựng bảng giá hàng hoá và dịch vụ, phương pháp tính giá rất phức tạp, nhất là việc rà soát để đồng bộ hoá Luật Giá với các luật chuyên ngành khác, trong đó có 21 luật chuyên ngành hiện tại có quy định về giá hàng hóa, dịch vụ.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ những điểm mới vì đây là luật sửa đổi, phạm vi điều chỉnh để không trùng với luật khác, tránh giao thoa của luật này với các luật khác, rà soát kỹ nội dung chính sách đã được thông qua, đánh giá tác động nội dung mới trong dự thảo luật này…
Đồng thời, dự thảo Luật Giá sửa đổi phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất bằng việc rà soát kỹ các luật có liên quan, lưu ý một số quy định chưa tương thích hoặc xung đột với Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự, cách tiếp cận các vấn đề phải thực sự nhất quán, việc quy định phân cấp cho HĐND, UBND địa phương cần rà soát kỹ để có quy định rõ ràng, không đánh đồng thẩm quyền của UBND và Chủ tịch UBND, bảo đảm tính khả thi, sự minh bạch của các quy định, thực hiện công bằng…
Lê Sơn