Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Gạo ST 25 có hạt dài, trắng trong. Ảnh: TTXVN |
Theo kỹ sư Hồ Quang Cua thì việc xây dựng thương hiệu và giữ gìn thương hiệu gạo cho Việt Nam cần có nhiều biện pháp, vừa là những cố gắng nội tại của doanh nghiệp, vừa cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước và có sự đầu tư đúng mức nguồn vốn sự nghiệp.
Các giải pháp cần được thực thi đồng bộ ở tất cả các địa phương, cũng như khâu kiểm định đầu ra mới mong việc xây dựng thương hiệu gạo thơm Việt Nam được phát triển bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ cử đoàn công tác đến làm việc trực tiếp với nhóm tác giả “gạo ngon nhất thế giới” để nghiên cứu các quy trình về các tiêu chuẩn, quy chuẩn, công nghệ, máy móc… sao cho giống gạo ST trở thành một trong những thương hiệu gạo thơm cho Việt Nam, tiến tới việc chiếm lĩnh những phân khúc gạo trên thị trường thế giới.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng và các sở, ngành của tỉnh tạo điều kiện và phối hợp thực hiện Đề án phát triển sản xuất lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng thông qua các cơ chế, chính sách, trình diễn mô hình, hỗ trợ giống cho bà con nông dân… để góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân, tăng cường quảng bá và khẳng định chất lượng giống gạo thơm của Sóc Trăng.
Để chủ động trong vụ sản xuất 2020-2021 được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã chủ động chuyển dịch cơ cấu vụ sản xuất, đặc biệt là xuống giống lúa vụ Hè Thu sớm hơn so với các năm trước, nhằm hạn chế sức ảnh hưởng và tác động của tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn cho các vụ lúa kế tiếp, nhất là lúa vụ Đông Xuân.
Trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt và hạn chế thấp nhất thiệt hại trong quá trình sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vào mùa khô, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã tập trung tuyên truyền đến người dân để người dân nắm rõ các diễn biến thời tiết trong vụ sản xuất. Từ đó, chủ động phòng, tránh các tác hại đến sản xuất và đời sống, chủ động ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra.
Ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo và khuyến cáo bà con nông dân trong tỉnh xuống giống sớm hơn lịch thời vụ hằng năm 1 tháng, để thời điểm thu hoạch lúa vụ Đông Xuân chính vụ đúng vào thời điểm trước và sau Tết. Đặc biệt là khuyến cáo nông dân không sản xuất lúa vụ 3 (còn gọi là vụ Đông Xuân muộn) do mức độ rủi ro quá lớn.
Đúc rút kinh nghiệm từ những ảnh hưởng của đợt hạn hán và xâm nhập mặn trong năm 2019-2020 và sự tuân thủ các khuyến cáo của ngành chức năng của nông dân, vụ Đông Xuân 2021 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đạt được thắng lợi lớn cả về năng suất lẫn giá bán. Nông dân sản xuất 2 vụ lúa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có được 2 vụ sản xuất ăn chắc, chủ động và tránh được tác động của tình hình hạn hán và xâm nhập mặn sắp tới.
Vụ Đông Xuân 2020-2021, toàn tỉnh Sóc Trăng hiện đã xuống giống được hơn 101.000 ha/167.000 ha kế hoạch; trong đó, giai đoạn mạ 7.837 ha, đẻ nhánh gần 36.000 ha, giai đoạn lúa đang làm đòng khoảng 18.000 ha, giai đoạn từ trổ chín đến thu hoạch trên 40.000 ha, năng suất trung bình đạt từ 5-8 tấn/ha.
Cũng trong sáng ngày 8/1, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã đến kiểm tra công tác thu hoạch lúa vụ Đông Xuân; mô hình chuyển đổi cây trồng vật nuôi phát huy hiệu quả kinh tế của nông dân trên địa bàn huyện Long Phú./.
theo TTXVN