Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Những chuyến vươn khơi xa vừa mang lại kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc
Huyện đảo Lý Sơn là địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn với hơn 500 tàu cá và hàng nghìn ngư dân sinh sống bằng nghề biển. Ngư dân nơi đây có truyền thống và kinh nghiệm đánh bắt xa bờ, hoạt động khắp các ngư trường trong cả nước, từ vùng biển vịnh Bắc Bộ, đến vùng biển Tây Nam Bộ, Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển tiếp giáp với các nước trong khu vực.
Hơn 20 năm bám biển ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa, ngư dân Nguyễn Văn Chí, thuyền trưởng tàu cá QNg 96539-TS cho biết: "Trước đây chúng tôi suy nghĩ rất đơn giản, rằng "chim trời cá nước", ở đâu có cá nhiều thì đánh bắt nên nhiều khi có tình trạng khai thác sang ngư trường nước bạn. Còn giờ thì khác, được bộ đội biên phòng, cảnh sát biển thường xuyên tuyên truyền hướng dẫn, phổ biến quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nên bà con hiểu làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, gây hại cho ngành thủy sản, mà gây hại cho ngành thủy sản cũng là gây hại cho chính mình, do đó ngư dân đã hiểu và nay chỉ khai thác trong phạm vi vùng biển của nước mình".
Tương tự, trước mỗi chuyến vươn khơi, ngư dân Võ Lần, chủ tàu cá QNg 91213 TS, trú xã Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi đều có mặt từ sớm tại Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ để làm thủ tục xuất bến.
Theo ông Lần, nhờ được lực lượng chức năng trao đổi các văn bản pháp luật về khai thác thủy sản trên biển mà bà con ngư dân ngày càng hiểu và thực hiện nghiêm các quy định về khai thác IUU. Nếu như trước đây, ngư dân ít quan tâm trang bị lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá thì nay gần như tất cả các tàu khai thác xa bờ đều được lắp đặt thiết bị này.
"Việc lắp thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có nhiều lợi ích, ngoài việc để cơ quan chức năng theo dõi, quản lý, phát tín hiệu cảnh báo mỗi khi tàu chuẩn bị vượt sang vùng biển của nước bạn, tránh được lỗi khai thác bất hợp pháp, còn dễ dàng giúp ngư dân trong các tình huống gặp phải sóng to, gió lớn, tai nạn trên biển", ngư dân Lần cho hay.
Cán bộ, chiến sĩ biên phòng tuyên truyền ngư dân chống khai thác thủy sản trái phép
Trung tá Nguyễn Văn Thương, Chính trị viên Đồn Biên phòng huyện Lý Sơn cho biết, thời gian qua, đơn vị thường xuyên gặp gỡ, tuyên truyền pháp luật, đặc biệt về chống đánh bắt thủy sản trái phép đến ngư dân. Bà con nghe và hiểu biết nhiều hơn về những tấm gương kiên cường bám biển; nhận thức sâu sắc nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc tham gia cùng các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
"Việc tuyên truyền được tổ chức đúng người, đúng thời điểm và đầy đủ nội dung, trực tiếp đi trên các phương tiện của ngư dân. Ngoài ra, tuyên truyền vận động ngư dân gắn các thiết bị giám sát hành trình và quá trình khai thác trên biển mở máy 24/24 giờ", trung tá Nguyễn Văn Thương cho hay.
Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thực hiện các biện pháp chống khai thác IUU tại Quảng Ngãi không chỉ nhằm chung tay tháo gỡ "thẻ vàng" cho ngành thủy sản từ phía EC mà còn góp phần thúc đẩy nghề khai thác biển của địa phương hội nhập và phát triển.
Thời gian qua địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân đầu tư các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, thiết bị để theo dõi tàu cá vào, xuất và nhập bến. "Tất cả những nội dung liên quan đến gỡ thẻ vàng EC, tỉnh cam kết sớm khắc phục để góp phần cho thủy sản Việt Nam phát triển và xuất khẩu đi các nước, đem lại nguồn lợi chính đáng cho chính người dân", Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho hay.
Hiện Quảng Ngãi đã có 2.850 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tổng số 3.260 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên bắt buộc phải lắp đặt (đạt tỉ lệ 87,42%). Số tàu chưa lắp đặt VMS là 410 tàu (bao gồm 119 tàu đang hoạt động trong tỉnh, 219 tàu hoạt động ngoài tỉnh nhiều năm không về địa phương và 72 tàu nằm bờ).
Lưu Hương