Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Dạo qua một số chợ như Đồng Xuân, Hàng Bè,... cũng như một số siêu thị lớn như Big C, Fivimart,... việc người dân sử dụng túi ni lông khi đi chợ, mua bán vẫn là khá phổ biến.
Hơn thế nữa, qua tham khảo, dù từ ngày 1/1/2012 đã triển khai việc áp thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với túi ni lông nhưng giá túi ni lông hiện nay không tăng mà còn giảm (từ 60.000 đồng/kg trước tết xuống còn 40.000 đồng/kg). Hiện rất nhiều người dân hầu như không biết rõ về việc áp dụng thuế cũng như còn khá thờ ơ với việc hạn chế sử dụng mặt hàng được coi là tiện lợi nhưng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao này.
Không dễ thay đổi thói quen dùng túi ni lông
Không biết thông tin về việc áp thuế thuế BTMT với túi ni lông từ đầu năm 2012, chị Nguyễn Thanh Tâm (chợ Bắc Qua - Hà Nội) cho hay, hiện nay, túi ni lông vẫn là sản phẩm mang, xách chủ yếu và được phát miễn phí tại các chợ sau khi mua sản phẩm. "Thậm chí, dù mua một mặt hàng, người bán hàng vẫn sẵn sàng đưa tôi thêm hai, ba chiếc túi ni lông nếu cần", chị Tâm nói.
Anh Nguyễn Đình Đạt vẫn thích dùng túi ni lông vì được phát miễn phí và tiện lợi - Ảnh: Chinhphu.vn |
Chị Nguyễn Thị Thi, một người bán túi ni lông tại chợ Nhật Tân cho biết, từ trước Tết giá túi ni lông tăng gấp đôi nhưng hiện nay đã giảm xuống còn 40.000 đồng/kg nên lượng người mua túi vẫn đông. "Hàng ngày tôi vẫn bán được từ 20-30kg túi, có lẽ do chưa có loại túi thay thế phù hợp, vừa rẻ, vừa tiện lợi nên số lượng người mua vẫn đông", bà Thi bày tỏ.
Còn chủ một cửa hàng bán túi ni lông ở phố Hàng Chiếu (Hà Nội) tiết lộ, mỗi ngày cửa hàng bán được trên 500 kg túi ni lông, vào những ngày lễ, tết, lượng bán ra tăng vọt lên gấp đôi.
Là một khách hàng khá thường xuyên của siêu thị Big C, một trong số các siêu thị có bán loại túi thân thiện với môi trường nhưng anh Nguyễn Đình Đạt vẫn trung thành với sản phẩm túi ni lông. Anh Đạt cho biết, qua giới thiệu của nhân viên siêu thị, anh cũng đã thử sử dụng loại túi thân thiện với môi trường khi đi mua hàng tại Big C. Tuy nhiên, theo ý kiến của anh Đạt, dùng túi sử dụng nhiều lần sẽ giúp BVMT nhưng rất khó vì "khi đi làm kết hợp với mua sắm lại phải mang theo túi này. Nhiều lúc đi từ nhà đến siêu thị thì lại quên mang theo túi".
Anh Đạt phân tích: Túi ni lông được phát miễn phí và sau mỗi lần sử dụng có thể vứt đi ngay, hoặc mang về nhà dùng để đựng rác, trong khi túi thân thiện với môi trường phải giặt để dùng lại, nếu dùng một lần rồi vứt đi cũng phí và tốn kém. Vì vậy thói quen mua sắm bây lâu cho thấy việc được phát miễn phí túi ni lông khi mua hàng, sử dụng tiện lợi là khó thay đổi.
Theo bà Nguyễn Thị Liên, người dân đã quá quen dùng túi ni lông, nhiều khi không cần vẫn sử dụng - Ảnh: Chinhphu.vn |
Bà Nguyễn Thị Liên, nhân viên thu gom rác thải của Công ty Môi trường đô thị, phụ trách khu vực chợ Đồng Xuân, phàn nàn: "Hàng ngày, lượng rác tôi thu gom có rất nhiều túi ni lông. Không những thế, những chiếc túi ni lông thường bị vứt bừa bãi. Hầu như không có con đường, ngõ phố hay lối xóm nào hiện nay không có túi ni lông vương vãi".
Theo bà Liên, mọi người đã quá quen dùng túi ni lông, quen đến nỗi, nhiều khi không cần vẫn sử dụng. "Việc túi ni lông tiện, rẻ và được phục vụ miễn phí đã làm mất thói quen suy nghĩ, cân nhắc sự lợi hại của việc dùng túi hay không dùng túi của cộng đồng xã hội", bà Liên bày tỏ.
Cần các biện pháp quyết liệt hơn
Ủng hộ việc cần có biện pháp hạn chế sử dụng túi ni lông, anh Trần Mạnh Hùng cho rằng, việc lạm dụng túi ni lông như hiện nay không những gây nguy hại đến môi trường mà còn nguy hại cho chính sức khỏe của người sử dụng. "Việc sử dụng túi ni lông để chứa thực phẩm có thể khiến thực phẩm bị nhiễm các kim loại từ ni lông. Ðó là chưa kể những loại ni lông chất lượng kém, được tái chế từ rác thải y tế, là nguồn lây nhiễm các loại bệnh cho người sử dụng", anh Hùng nói.
Theo anh Hùng, cần có biện pháp kiểm soát các cơ sở sản xuất túi ni lông cũng như sản lượng túi ni lông hàng năm, kiểm soát lượng tiêu thụ túi ni lông của những hộ tiêu thụ lớn. Ngoài ra, bên cạnh áp thuế BVMT với túi ni lông vào người sản xuất, cần biện pháp tác động mạnh hơn vào ý thức và hành vi của người tiêu dùng về việc hạn chế sử dụng túi ni lông.
Chị Nguyễn Thị Hoa cho rằng, việc hạn chế dùng túi ni lông nên áp dụng bắt đầu từ các siêu thị - Ảnh: Chinhphu.vn |
Chị Nguyễn Thị Hoa cho rằng cần tiến hành áp thuế khi sản xuất hoặc thu phí sử dụng túi ni lông thì người tiêu dùng sẽ có ý thức cân nhắc khi sử dụng mặt hàng này, đồng thời nhắc nhở người sử dụng về trách nhiệm của mỗi cá nhân với môi trường.
Chị Nguyễn Thị Hoa chia sẻ thêm, việc hạn chế dùng túi ni lông nên áp dụng bắt đầu từ các siêu thị. Chị Hoa cho hay, hiện nay, một số siêu thị như Metro ở Đà Nẵng đã thực hiện không phát túi ni lông cho khách hàng nên khách hàng phải mua túi thân thiện với môi trường được bán trong siêu thị. Theo chị Hoa, đây là một biện pháp nên áp dụng tại chợ, siêu thị, và tất cả những nơi bán hàng trên toàn quốc.
Ngoài ra, chị Hoa nhấn mạnh, cần đẩy mạnh tuyên truyền việc hạn chế sử dụng túi ni lông như hạn chế dùng túi ni lông khi không cần thiết (đựng các đồ khô, sạch), hạn chế vứt túi ni lông vào thùng rác, rửa sạch để tái sử dụng nếu có thể hoặc để riêng vào túi đồ rác tái chế, khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng các bao bì dễ phân huỷ và tái chế như túi giấy.
... và có sản phẩm thay thế phù hợp
Chị Nguyễn Thị Hiền thường bán rau ở chợ Nhật Tân suy nghĩ, muốn người dân ngừng sử dụng túi ni lông thì phải có các loại túi làm từ chất liệu khác đủ bền, tiện dụng và rẻ để thay thế túi ni lông.
Theo chị Nguyễn Thị Hiền, muốn người dân không sử dụng túi ni lông thì cần sản xuất loại túi có thể thay thế túi ni lông, tiện dụng và giá rẻ - Ảnh: Chinhphu.vn |
Anh Nguyễn Long, cho rằng, việc lạm dụng túi ni lông trước hết do người dân chưa ý thức được tác hại của túi ni lông đến sức khỏe và môi trường nhưng cũng không thể phủ nhận tính tiện lợi của túi ni lông. Do đó, theo anh Long, hiện nay chỉ có thể tuyên truyền để người dân sử dụng túi ni lông với những mặt hàng thật sự cần thiết.
Ngoài ra theo anh Long, cần có ngay giải pháp khuyến khích doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ các loại túi tự hủy, túi thân thiện môi trường với những ưu thế hơn hẳn túi ni lông như có chất lượng tốt, chịu được nước, giá thành rẻ, sử dụng nhiều lần…
“Nếu chỉ kêu gọi hạn chế sử dụng, mà không chú trọng đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường kết hợp với các biện pháp xã hội khác, thì chủ trương khó đi vào cuộc sống và không đạt kết quả bền vững", anh Long bày tỏ.
Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức, công dân