Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
LTS: Nguyễn Văn Siêu (1799-1872) hiệu Phương Đình, quê ở làng Lủ, xã Đại Kim, Thanh Trì, Hà Nội. Tên tự là Tốn Ban, hiệu Phương đình, Thọ Xương cư sỹ, nhưng sau đến dựng trường dạy học ở giáp Giang Nguyên, huyện Thọ Xương (nay là số nhà 12 – 14, phố Ngõ Gạch Hà Nội), sau khi mất, ông được dân thờ làm Thành hoàng.
Ông biết Hà Nội đến từng chân tơ kẽ tóc, văn của ông (và Cao Bá Quát) lừng lẫy một thời, chữ nghĩa điêu luyện, ý súc tích, nên dân gian có câu “Thần Siêu, Thánh Quát”.
Nguyễn Văn Siêu có công không nhỏ trong việc xây dựng cụm di tích đền Ngọc Sơn bên Hồ Hoàn Kiếm, bút tích gửi ngàn thu như đời sau ca ngợi:
Nhất đại Phương Đình bút,
Thiên thu Kiếm Hồ biên.
(Một thời Phương Đình bút,
Ngàn thu bên Kiếm Hồ).
Đây là bài ký về Hồ Gươm trong Phương Đình văn loại của ông.
Nguyễn Văn Siêu có công không nhỏ trong việc xây dựng cụm di tích đền Ngọc Sơn |
Trước kia, người ta xây trại lính ở đây, trừ một lối phía trái bên hồ. Lúc ấy, lối này quanh co, cỏ mọc rậm rạp, ít có người qua lại; nay lối đó đã thành đường đi hẳn hoi.
Nay tôi thỉnh thoảng đến đây chơi, thấy dăm ba thuyền chài bơi trong sương mù. Trong hồ đầy các loại chim nước, kể đến hàng trăm con, kết bày bốn phía. Chim lúc tụ lúc tản ra, tựa như biết tránh người.
Cũng có khi tôi qua đây vào lúc hoàng hôn, nghe tiếng chuông đánh trên gác, dưới chân có sóng nhỏ của hồ hòa theo. Đi chưa đầy mươi bước, dần dần cảm thấy hơi lạnh thấm vào người.
Cũng có ngày tôi thừa hứng mà qua đây, thuê riêng một chiếc thuyền con, bơi thuyền một lúc, bỏ thuyền lên núi trong hồ, thấy nhà gianh, cạnh có miếu lợp lá. Ngõ bốn phía, thấy nửa phần là những ngôi nhà đẹp đẽ, thấp thoáng trong cây; nửa phần là những trai thanh gái lịch, nhộn nhịp ra vào.
Thế mà trong hồ, cảnh lại tĩnh mịch. Cảnh như vậy, chẳng phải là một kỳ quan của vũ trụ đó sao?
Tôi nghĩ rằng, giữa đô thị có chỗ kỳ quan thế này, thế mà người đến chơi có thể đếm được, cũng chẳng ai để lại một chữ. Mùa Thu năm Minh Mệnh thứ 8 (1838), bạn tôi là ông Trần Đức Anh mới làm nhà ở bờ hồ. Ông gặp hỏi, mời đến nhà chơi. An tọa rồi, ông nói:
- Vui thay cảnh lâng lâng, bác viết được bài ký về cảnh này chăng?
Tôi đáp rằng:
- Viết ký thì phải viết cho tận ý.
Ông Trần bảo:
- Không thể viết gọn được sao?
Tôi đáp:
- Cảnh kỳ quan thì vô cùng mà lời ký thì có hạn, tôi không viết gọn nổi.
Ông bèn bảo tôi không nên ngừng lại chỉ viết cảnh vật; như vậy, dù biển rộng phía trước, vẫn có thể coi là nhỏ. Phải khiến cho cảnh vật theo ta, như vậy dù khe suối, vẫn có thể coi là lớn. Dẫn dắt từ ý ấy mà viết đến hồ.
Ông Đức Anh lại nói:
- Những lần đi chơi này, chúng ta lại không mời người khác cùng đi chăng? Ôi! Giữa khoảng trời đất, cảnh có thể chơi chung, song lòng người khó hợp; nơi u nhã của khói nước rừng sâu, người đến hoặc có người cho là cảnh cảm khái thâm trầm; người vui mà thấy cảnh đó mà thêm vui. Nơi lâu đài cảnh vật phồn hoa, người đắc chí thì say sưa với làn hát ngọt, điệu múa dẻo; kẻ ưu phiền thì đến cùng vẫn không vì cảnh đó mà đổi được ưu phiền. Lấy điều sở đắc trong khoảng thời gian qua của tôi mà nói, tùy lúc cũng chẳng giống nhau. Người xem cảnh, mỗi người có một cảm nhận khác nhau vậy. Biết nói làm sao hết được!
Nói rồi lấy rượu ra uống, cuộc rượu nửa chừng, ông lại nói:
- Tôi muốn được nghe điều sâu xa về Hồ Gươm!
Tôi cười, đáp:
- Bác muốn viết bài ký để giữ lấy cảnh Hồ Gươm chăng? Nhưng chờ tôi viết xong mới giữ cảnh hồ thì lúc đó chắc cảnh hồ đã mất lâu rồi! Bác chẳng thấy Hồ Tiền Nội, nay chỉ là nơi gạch ngói chất đầy, Hồ Bảy Mẫu, nay đã đắp đường lớn chạy qua. Nơi Cột Cờ, xưa là Hồ Sen; chỗ Tuyền Cục, xưa là Hồ Thủy Quân. Có nơi, tháng Tám còn là hồ, sang năm đã là nhà gạch! Trước là nhà gạch, biết đâu về sau chẳng lại là hồ! Nhưng xưa nay không giống nhau, cuộc phế hưng khác dấu tích. Song những cảnh hồ vừa dẫn ra đó, há còn giữ được chăng? Bác muốn biết, còn tôi đã được nghe: Giữa đời nhà Lê trước đây, khi sự nghiệp sắp bị họ Mạc chiếm, Vua Lê Tương Dực đã đến hồ này. Xưa kia nhà Lê mất thanh gươm giữ nước ở đây, tìm không thấy, từ đó hồ này mới có tên là Hồ Gươm. Khi nhà Lê chưa dấy lên, nước ta mất vào tay quân Minh; bọn quan lại phục dịch cho lợi ích của kẻ xâm lược, chạy theo chúng; các bậc hiền giả phải chịu khuất phục, dân chúng sống không yên. Vua Lê Thái Tổ thuận theo lẽ trời, hợp lòng người, nổi dậy đuổi quân xâm lược, giặc đầu hàng hơn muôn tên, Vua ta đều thả cho về nước chúng, không nỡ giết. Đến nay đã hơn bốn trăm năm, nhà Lê lại mất.
Trải qua một thời gian dài không còn cái nạn xâm lược từ phía Bắc, song cảm cái ơn đuổi giặc ngoại xâm xưa nay uy linh của ba thước gươm vẫn còn. Nhưng hồ này có tên là Hồ Gươm, lại không chỉ vì sự tích của thanh gươm đó mà còn vì chiến công của thanh gươm đó. Bởi sau thời Lê Trung hưng, họ Trịnh vẫn đặt Hành cung ở Hồ Tây, lại trồng nhiều sen ở hồ này, nay vẫn còn, sao người ta không đặt tên cho Hồ Tây là Hồ Sen?
Trích Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long