Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại Hội An, năm nào phố cổ cũng ngập lụt vài ba lần. Mới đây nhất vào giữa tháng 10, mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn đổ về làm phố cổ Hội An ngập sâu.
Toàn bộ những khu vực gần sông Hoài, tuyến đường Bạch Đằng, cầu An Hội, chùa Cầu, chợ Hội An đều trong tình trạng ngập sâu khi nước lũ dâng cao vượt qua mức báo động 3. Các khu vực đường Lê Lợi, Nguyễn Thái Học đều ngập sâu hơn 1 m. Riêng tuyến đường Bạch Đằng giáp sông ngập sâu gần 3 m…
Chính vì đã quen với tình hình khu vực ven sông dễ bị ảnh hưởng khi có mưa lớn kéo dài, các hộ kinh doanh ở Hội An chọn cách sống chung với thiên tai, đôi khi họ nhìn du khách đi dạo phố trên những chiếc ghe thuyền và xem đó như là một niềm vui ở phố cổ mùa nước lên.
Bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thanh – Truyền hình TP. Hội An chia sẻ nằm ở hạ nguồn của con sông Thu Bồn nên hằng năm người dân Hội An bị ảnh hưởng bởi nhiều cơn lụt rất lớn. Người Hội An luôn luôn thích nghi với việc ứng phó, chống chọi lại với bão lụt hàng năm.
Người dân chủ động trong việc chằng chống nhà cửa rồi dọn dẹp sau mỗi đợt lũ đi qua với tinh thần khẩn trương để sau đó mở cửa trở lại hàng quán và các hoạt động hướng dẫn tham quan, đón du khách.
"Có năm Hội An ngập lụt 9 lần tùy mức độ nặng nhẹ. Đặc biệt, luôn có sự chung tay dọn dẹp của các du khách trong và ngoài nước. Thành phố rất vui khi du khách vẫn chọn Hội An làm điểm đến trong bất cứ mọi điều kiện, hoàn cảnh nào và có sự chung tay để cùng với người Hội An trong việc khắc phục bão lũ, dù những việc làm nhỏ thôi nhưng đã động viên tinh thần của người Hội An rất lớn", bà Trương Thị Ngọc Cẩm cho biết.
Theo ông Võ Duy Trung, Trưởng Phòng Quản lý trùng tu di tích khu phố cổ (Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An), khu vực 1 (Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong) khu phố cổ Hội An hiện có hơn 1.300 di tích, trong đó có nhiều loại hình như các chùa, hội quán, các công trình kiến trúc tín ngưỡng và nhiều nhất là nhà ở của dân.
Đa số di tích chủ yếu là sở hữu của tư nhân (chiếm hơn 82%). Hằng năm, Trung tâm có chương trình điều tra khảo sát tất cả các di tích trong khu phố cổ để tiến hành phân loại mức độ xuống cấp khác nhau để có biện pháp bảo vệ phù hợp, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Qua đợt khảo sát mới đây nhất, có khoảng 45 di tích xuống cấp được phân cấp 3 mức độ (nhẹ, nặng và xuống cấp nghiêm trọng). Sau khi phân loại, mỗi loại di tích sẽ có cách bảo vệ trước mưa bão.
"Trước mùa mưa bão, Trung tâm có các văn bản gửi cho các phường hoặc gửi trực tiếp đến những ngôi nhà xuống cấp để họ biết tình trạng nhà đã xuống cấp đến mức nào để phòng tránh. Những trường hợp neo đơn, người già... Trung tâm sẽ hỗ trợ việc chằng chống, bảo vệ nhà cửa.
Những trường hợp không có điều kiện mua gỗ để chằng chống thì Trung tâm sẽ cho các hộ gia đình mượn để góp phần bảo vệ di tích", ông Võ Duy Trung trao đổi.
Với Hội An di sản là tài sản lớn nhất, do đó người dân luôn ý thức chung tay cùng chính quyền để vừa bảo vệ vừa phát huy giá trị si sản, góp phần thu hút khách, đem lại kinh tế cho địa phương.
Lưu Hương