Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đây là quan điểm của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đưa ra trong tham luận tại Hội nghị Trung ương lần thứ 5 về nội dung nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ suy nghĩ về tăng thu nhập của người nông dân bằng việc suy nghĩ về câu hỏi của một nhà báo: "Nông dân chúng ta giàu hay nghèo? Giải pháp nào để tăng thêm thu nhập cho người nông dân?".
"Không dễ để đưa ra câu trả lời chuẩn xác. So với năm 2008, năng suất lao động nông nghiệp đạt 55,9 triệu đồng/người, cao hơn gấp 4 lần. Thu nhập và đời sống người dân nông thôn đã được cải thiện. Một số hộ nông dân trở nên khá giả và giàu có nhờ vào sản xuất, kinh doanh nông sản. Tuy nhiên, đây là số liệu bình quân, trong khi mức độ phân nhóm nông dân vốn luôn đa dạng và trải rộng, khó mà có thể đưa ra nhận định chung, vì khi ấy có thể đúng với nhóm này, nhưng lại không đúng với nhóm khác", Bộ trưởng phân tích.
Chỉ số thu nhập bình quân khó lòng phản ánh hết sự bấp bênh trong sinh kế của phần lớn nông dân hay sự chênh lệnh thu nhập giữa các vùng sinh thái, giữa trồng lúa, trồng rừng với canh tác, sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi khác. Cách tính thu nhập bình quân không còn phù hợp với tư duy tăng trưởng bao trùm, bảo đảm những lợi ích, cơ hội kinh tế từ quá trình tăng trưởng được chia sẻ một cách bình đẳng, hài hoà cho các thành viên trong xã hội.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích thêm: Đất đai chỉ phát huy giá trị khi người sử dụng đất đủ năng lực tối đa hoá giá trị của đất. Theo số liệu từ Khảo sát mức sống dân cư về giá trị gia tăng bình quân mỗi hecta mỗi năm, canh tác lúa thấp hơn từ khoảng 2 đến 3 lần so với canh tác các loại cây trồng khác và nuôi trồng thuỷ sản, và tất yếu là đất sản xuất nông nghiệp sẽ mang lại giá trị nội sinh thấp hơn so với chuyển đổi sang các ngành kinh tế khác.
Ngoài yếu tố khách quan do lợi thế so sánh giữa các khu vực kinh tế, mức chênh lệch đó còn cho thấy giới hạn của người nông dân trong khả năng tạo ra giá trị thặng dư từ đất. Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động trong khu vực nông nghiệp rất thấp như chúng ta thường đánh giá, trăn trở.
Thực trạng đó còn khiến cho gần 85% diện tích đất tự nhiên hiện là đất nông nghiệp, trong đó khoảng 30% đã bị thoái hoá. Nhưng đất đai dù có chai cằn thì vẫn là sinh kế của hàng chục triệu nông dân, những người đã theo Đảng làm nên các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, và khu vực nông thôn là chỗ dựa vững chắc trong các cuộc cách mạng đó.
Hiện nay, trong triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, người nông dân lại được xem là chủ thể, được đặt vào vị trí trung tâm. Nhưng muốn thực hiện được vai trò chủ thể và tương xứng với vị trí trung tâm, điều cần làm và phải làm, cần thiết và cấp thiết, người nông dân cần được nâng cao năng lực thông qua tri thức hoá.
Theo đánh giá của tư lệnh ngành nông nghiệp, thời gian qua ngành chủ yếu hỗ trợ nông dân sản xuất sao cho tốt nhất, năng suất cao nhất, sản lượng nhiều nhất. Công tác quản lý, điều hành sản xuất được quan tâm sát sao. Cả guồng máy vận hành toàn lực để bảo đảm những vụ mùa bội thu, phòng ngừa dịch bệnh, cung cấp, tiêu thoát nước kịp thời,…
Vậy mà, điệp khúc buồn "được mùa, mất giá" cứ khiến người sản xuất thấp thỏm âu lo theo từng mùa vụ. Nông sản dư thừa, lúa thóc đầy đồng, lợn gà đầy chuồng, cá tôm đầy ao, nhưng không đưa ra được thị trường. Câu chuyện "giải cứu nông sản" lại được nhắc đến, kèm theo nhận định chua xót về thực trạng "nông nghiệp từ thiện" chưa có lời giải thoả đáng. Tình trạng nông sản ùn ứ ở các cửa khẩu tiếp tục gây xôn xao. Thu nhập của người nông dân vốn đã ít ỏi, cứ thế lại bị bào mòn thêm.
Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng đặt ra yêu cầu cấp thiết về sự thay đổi, để thích ứng tốt hơn với một thế giới đầy rẫy biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ. Sự thay đổi quan trọng nhất cần bắt đầu từ chính mỗi người nông dân, những người trực tiếp hằng ngày sản xuất, kinh doanh nông sản.
Sự thay đổi căn cơ nhất bắt đầu từ việc xác định nhiệm vụ nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của nông dân và người dân nông thôn là ưu tiên hàng đầu, tại Dự thảo Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để có thể trở thành chủ thể, người nông dân phải có tâm thế tự lực, tự chủ, hội đủ kiến thức, kỹ năng, năng lực, thái độ của người làm chủ – làm chủ vận mệnh của bản thân, làm chủ câu chuyện phát triển cộng đồng dân cư nông thôn. Muốn vậy, nông dân và người dân nông thôn cần nhận thức rằng: Cuộc đời của mình là do chính mình quyết định.
Người nông dân phải có ý chí mạnh mẽ, suy nghĩ tích cực, thay vì than thân, trách phận hay trông chờ ỷ lại, an phận, thu mình lại trong ngôi nhà, bờ ruộng, mảnh vườn. Muốn vậy, người nông dân phải được hỗ trợ tiếp cận, đào tạo kiến thức, huấn luyện kỹ năng, cập nhật kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.
Ngành nông nghiệp đang và sẽ phải tiếp cận những tư duy mới trong thời đại kinh tế tri thức, ứng dụng những thành tựu trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Vậy thì, nông dân-chủ thể của nền nông nghiệp-cũng phải được tiếp cận tư duy mới, kiến thức mới, công nghệ mới, kỹ năng mới. Trí thức hoá nông dân là yêu cầu bắt buộc.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá, cùng với kinh nghiệm "trông trời, trông đất, trông mây/ trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm", những "lão nông tri điền" ngày nay còn có thể "trông vào các thiết bị thông minh", nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa học nông nghiệp. Sự cộng hưởng giữa kinh nghiệm tích luỹ từ thửa ruộng, bờ ao với tri thức "đám mây", kết nối "dữ liệu số" có thể giúp tạo nên những "nhà khoa học chân đất", khởi tạo giá trị mới.
Lan toả tri thức, kỹ năng có thể giúp người nông dân tiếp cận cách thức sản xuất, kinh doanh hiệu quả, làm giàu bền vững. Trách nhiệm đó, thậm chí có thể xem là bổn phận, là trọng trách, trước hết thuộc về chính quyền, ngành chuyên môn. Đó còn là trách nhiệm xã hội của các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân tâm huyết thúc giục nhau về làng, về với người nông dân, về với thửa ruộng, bờ ao, để cùng lắng nghe, thấu hiểu.
"Tri thức hoá nông dân" là điều các quốc gia phát triển đã làm để giúp người nông dân trở thành những doanh nhân, nhà khoa học, được trang bị kiến thức kinh tế thị trường, làm chủ được máy móc, công nghệ.
"Làm giàu" cho nông dân là giúp người nông dân biết sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần, chứ không phải sản xuất theo khả năng hiện có của mình, với cách thức sản xuất tiết kiệm nhất, để giá thành hợp lý nhất, mà vẫn bảo đảm chất lượng. "Làm giàu" cho nông dân là trang bị cho người nông dân kỹ năng sản xuất và cả tư duy kinh tế.
Nông dân Việt Nam trước nay quen thuộc với luỹ tre làng, với cánh đồng, mảnh vườn. Muốn suy nghĩ lớn hơn, tầm nhìn xa hơn, khát khao mãnh liệt hơn, thì phải vượt ra không gian làng xã, kết nối với không gian liên xã, liên huyện, liên tỉnh, liên vùng. Trong không gian kết nối đó, người nông dân được tiếp xúc với các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, được cung cấp kiến thức, kỹ năng, tư vấn, liên kết,...
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra một thông điệp mạnh mẽ:
"Nông nghiệp là sinh mệnh. Nông thôn là tương lai."
"Không có nông dân. Không có lương thực. Không có tương lai".
Vậy chúng ta đã chuẩn bị gì cho tương lai, cho ngành nông nghiệp, cho đội ngũ nông dân kế cận, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045? Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần thảo luận về giáo dục nông nghiệp bài bản, về "đưa các nội dung phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vào giảng dạy trong hệ thống các trường chính trị, các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân" như Kết luận số 70/KL/TW, ngày 9/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Có lẽ, mô hình Trường cấp 3 nông nghiệp ở Nam Định – trường học đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam dạy học sinh kỹ thuật nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến nông sản, thực phẩm theo mô hình Nhật Bản, là một gợi mở thú vị. Tại ngôi trường lý thú này, học sinh được ngửi đất, bắt sâu, làm bánh mỳ từ gạo. Từ việc đánh giá kết quả đào tạo tích cực của mô hình này, có thể xem xét khả năng nhân rộng ra các địa phương đủ điều kiện, như Trường cấp 3 thuỷ sản tại các tỉnh, thành phố ven biển, Trường cấp 3 lâm nghiệp ở các tỉnh trung du và miền núi.
Triển khai mô hình này, điều quan trọng không chỉ là kiến thức, kỹ năng, mà hơn hết là vun bồi, hun đúc cho học sinh tình cảm, khát vọng trở thành những người nông dân chuyên nghiệp, thương nhân kinh doanh nông sản, kỹ sư nông nghiệp thực hành, nhà nông học lành nghề, yêu nghề trong tương lai.
Khi ấy, người nông dân sẽ không còn mặc định qua hình tượng áo nâu, đầu vấn khăn rằn, tay cầm bó lúa. Khi ấy, người nông dân buổi sáng có thể mặc chiếc áo màu nâu của đất, buổi chiều mặc chiếc áo màu xanh của nhà máy chế biến và buổi tối có thể mặc chiếc áo màu trắng của trí thức, thương nhân, tự tin vào năng lực của mình trước sóng gió thị trường.
Đỗ Hương