Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
TS. Nguyễn Đài Trang cùng độc giả tại buổi ra mắt cuốn sách thứ ba về Bác Hồ - Ảnh do nhân vật cung cấp |
“Nhưng tôi vẫn còn suy nghĩ về việc chưa đọc kỹ hết được bộ "Hồ Chí Minh: Toàn tập" và càng gắng đọc thì lại càng thấy phải phân tích nhiều hơn nữa để diễn đạt sâu xa hơn tâm và tài của Bác. Vì muốn đem lại tính khách quan cho độc giả, vì chính bản thân tôi cũng cảm thấy nhiều cuốn sách ở phương Tây diễn dịch không chuẩn xác về lịch sử Việt Nam, nên tôi đã nghĩ đến việc giới thiệu các bài viết nguyên bản của Bác, từ đó người đọc có thể tự suy luận theo sự đánh giá của họ mà không bị ảnh hưởng bởi sự phân tích của tác giả”, TS. Nguyễn Đài Trang tâm sự.
Chị Nguyễn Đài Trang cho biết, đa số các bài viết nguyên bản của Bác Hồ trong các cuốn sách đều nói về chủ đề kháng chiến, trong khi đó, các vấn đề khác như phát triển kinh tế, giáo dục, văn hóa, dân chủ, bảo vệ môi trường, bình đẳng nam nữ... thì ít được nói đến. Hơn nữa, từ khi Hồ sơ Lầu Năm góc được tiết lộ vào năm 1971, các bức thư mà Bác gửi cho Tổng thống Mỹ Harry Truman vào năm 1945-1946 được giới thiệu ít nhiều ở một số sách và trang mạng. Các bức thư này, cũng như nhiều bức thư gửi đến nhiều vị lãnh tụ khác trên thế giới, cho thấy thiện chí hòa bình của Bác mà ít người biết đến.
“Từ đó, tôi nung nấu ý định đọc lại toàn bộ bộ “Hồ Chí Minh: Toàn tập” theo 3 chủ đề chính: Hòa bình, dân chủ và bình đẳng giới, đồng thời so sánh với các bài viết đã được xuất bản ở phương Tây bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Tôi chọn 25 bài thông điệp và điện văn Bác gửi Hoa Kỳ, các cường quốc khác và Liên Hợp Quốc, 25 bài về hòa bình, 25 bài về dân chủ và 25 bài về bình đẳng giới.
Trong số 100 bài này, chỉ có khoảng 30 bài đã được thế giới biết đến (chủ yếu là các bức thư Bác gửi cho Hoa Kỳ), nhưng có khi độc giả không được biết trọn bài và không được đặt trong bối cảnh đầy đủ. Vì vậy, khi giới thiệu mỗi phần 25 bài, tôi trình bày cụ thể để độc giả có thể hình dung bối cảnh của Việt Nam trong các chủ đề này” - TS.Nguyễn Đài Trang cho biết.
Chia sẻ về những khó khăn trong việc thu thập các bài viết cho cuốn sách, chị Nguyễn Đài Trang cho biết, đó là phải tìm hiểu xem bản gốc được Bác viết bằng tiếng Việt, tiếng Anh hay tiếng Pháp, vì bộ “Hồ Chí Minh: Toàn tập” được viết bằng tiếng Việt. Đa số các bài trong phần Bác gửi Hoa Kỳ và phần hòa bình được viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, còn phần dân chủ và bình đẳng giới được viết bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, thật may mắn là chị đã có được sự hỗ trợ về tài liệu từ Viện Hồ Chí Minh, được 2 nhà biên tập người Canada là Elizabeth McIninch và Luis Silva tận tình đóng góp ý kiến.
Cuốn sách “Hồ Chí Minh: Các tác phẩm chọn lọc về hòa bình, dân chủ và bình đẳng giới" được ra mắt tháng 8/2018.
Cuốn sách dày 236 trang, bằng cả 3 thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, tập hợp các tác phẩm chọn lọc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hòa bình, dân chủ và bình đẳng giới. Cuốn sách có phần tóm tắt về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; 25 thông điệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hoa Kỳ và các nước trên thế giới từ năm 1919-1969, trong đó có thư gửi Thủ tướng Canada Lester Pearson năm 1966; 25 bài viết về hòa bình, trong đó có thư gửi Giáo hoàng Paulus VI và Giáo sư đoạt giải Nobel Hòa bình Linus Pauling; 25 bài viết về dân chủ và 25 bài viết về bình đẳng giới. |
Làm sáng tỏ con người nhân văn của Bác
“Điều tâm đắc nhất của tôi trong việc viết cuốn sách thứ 3 về Bác là được làm sáng tỏ con người nhân văn của Bác qua việc giới thiệu các bài viết nguyên bản về 3 đề tài mà thế giới hầu như chưa được biết đến. Ví dụ, về hòa bình, bức thư Bác gửi bà Chossis trong Hội Liên hiệp Phụ nữ Pháp năm 1946 cho thấy lòng thiện chí của Bác, mà lại bị phương Tây xuyên tạc nên tôi hy vọng từ đây sẽ được làm sáng tỏ.
Các bài về dân chủ lại càng cho thấy những thành kiến của phương Tây về tình hình dân chủ ở Việt Nam là thiếu khách quan. Đặc biệt, các bài về bình đẳng giới sẽ làm người đọc cảm thấy thú vị nhất, vì Bác đề cập đến các vấn đề trong các làn sóng nữ quyền trên thế giới từ thập kỷ 1920 mà ít vị lãnh tụ nào thời ấy có được tinh thần tiến bộ như vậỵ”, chị Nguyễn Đài Trang hồ hởi nói.
Điều tâm đắc thứ hai, theo nữ tiến sĩ này, là chị đã góp phần làm rõ lịch sử Việt Nam, khuyến khích giới trẻ tìm hiểu sự thật và tự hào về lịch sử dân tộc mình, như Bác đã dạy “Dân ta phải biết sử ta”.
Qua việc giới thiệu các tác phẩm chọn lọc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuốn sách này, tiến sĩ Nguyễn Đài Trang đã trình bày bối cảnh lịch sử Việt Nam, trong đó có thời kỳ chống ngoại xâm phương Bắc và 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ; nêu lên sự tuyên truyền dối trá của Mỹ, Pháp và Anh từ năm 1945, mà Hồ sơ Lầu Năm góc đã chứng thực như vậy. Phần trích dẫn của Giáo sư người Mỹ Howard Zinn nêu rõ, Hồ sơ Lầu Năm góc đã ghi nhận “Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ được lòng dân, được kính trọng, yêu mến trên toàn Việt Nam” và chống Pháp thành công vì “luôn có xung quanh mình những người có phẩm chất cao quý không thể phủ nhận được”.
TS. Nguyễn Đài Trang ký tặng sách cho độc giả - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Sự đón nhận của độc giả
GS. TS. Adibin Kusno, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á tại Đại học York, nhận định rằng cuốn sách này đưa ra một quan điểm khác với quan điểm Hoa Kỳ. Ở phương Tây, ngày 30/4 thường được biết đến là ngày “Sài Gòn sụp đổ”, nhưng với Việt Nam, đó là ngày thống nhất Bắc-Nam, mà ông cho là có ý nghĩa chính xác hơn. Tại buổi ra mắt cuốn sách này, ông Adibin Kusno nói rằng: “Paman Hồ (Bác Hồ) rất được kính trọng ở Indonesia”.
GS. TS. Ahmed Dewidar, giảng viên ngành Phát triển Quốc tế tại Cao đẳng Centennial tại Toronto, khi phát biểu tại buổi ký tặng sách của tác giả ngày 11/05/2019, đã phân tích bài thơ “Mười chính sách của Việt Minh” rằng các chính sách này bảo đảm quyền của tất cả mọi thành phần trong xã hội, từ nông dân, công nhân đến người buôn bán, viên chức, chiến sĩ, từ thanh niên, phụ nữ đến học sinh, người già, người tàn tật và người đau ốm; bãi bỏ các loại thuế và bảo đảm quyền hội họp, đi lại, báo chí, học hành, tín ngưỡng.
Ông Steve Rutchinski tới từ Trường Đại học Toronto, cho biết, cuốn sách rất hay và thú vị. Ông đã hiểu rất rõ về chủ nghĩa Mác-Lênin và vai trò của giai cấp công-nông, về phong trào giải phóng thuộc địa và chống phát xít. Nhưng qua các bài viết của Bác trong cuốn sách này, ông mới nhìn rõ sự áp dụng của chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện của các nước thuộc địa. Sự áp dụng này đem đến sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân và soi đường, dẫn lối trong việc xây dựng đời sống mới và phát triển kinh tế, qua đó là một mô hình cho thế giới noi theo. Ông cho rằng cuốn sách này rất quan trọng cho thế hệ trẻ Việt Nam để biết về lịch sử của mình, cũng như cho cả thế giới để thấy được con đường mình đang hướng tới.
Còn bà Anita Agrawal, nguyên Chủ tịch Tổ chức Phụ nữ trong ngoại thương - Toronto, cho biết Hồ Chí Minh đã “nâng cao vai trò lãnh đạo của phụ nữ và vận động nam giới đối xử bình đẳng với phụ nữ trong gia đình”. Cô cho rằng cuốn sách này “đã thành công trong mục đích làm sáng tỏ các nhận định sai lầm về Hồ Chí Minh và nỗ lực của Người trong việc đem lại dân chủ và giải phóng Việt Nam khỏi ách thực dân”.
Chúc mừng tác phẩm mới của TS. Nguyễn Đài Trang, chúng tôi cũng bày tỏ hy vọng sẽ được đón nhận nhiều tác phẩm mới của chị trong thời gian tới, đồng thời mong muốn “nhịp cầu” hữu nghị, đoàn kết gắn bó với bè bạn ở Canada và nhiều nơi khác trên thế giới ngày càng thắt chặt, bền vững theo năm tháng.
Phúc Lâm