Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thầy giáo Lê Văn Vỹ, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk |
Là giáo viên cốt cán của Sở GD&ĐT và Phòng GD&ĐT thị xã Buôn Hồ, thầy Lê Văn Vỹ, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk là một trong 60 giáo viên tiêu biểu của cả nước được ngành giáo dục tuyên dương trong dịp kỷ niệm 39 năm ngày hiến chương các nhà giáo Việt Nam năm nay.
Thầy Vỹ luôn đi đầu trong các phong trào thi đua, đạt nhiều thành tích trong dạy học. Đặc biệt, thầy có sự sáng tạo không ngừng, nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên, học sinh nhà trường trong việc giảng dạy và học trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19.
Ngay từ năm học 2012-2013, thầy Lê Văn Vỹ đã đạt giải Nhì cấp tỉnh cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử E-learning; đạt giải Nhất cấp thị xã cuộc thi “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013”. Sau đó, thầy đạt giải Nhì cấp thị xã và giải Khuyến khích cấp tỉnh cuộc thi “Tìm hiểu Bộ luật Dân sự” năm 2017; đạt giải Nhất cấp thị xã cuộc thi “Tìm hiểu Bộ luật Hình sự” năm 2019; đạt giải Khuyến khích cuộc thi viết Tìm hiểu 80 năm lịch sử vẻ vang Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk.
Tại Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, 90% học sinh là người dân tộc thiểu số, nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Dịch COVID-19 ập đến khiến việc dạy và học của thầy trò Trường càng gặp nhiều khó khăn.
Khi chuyển đổi sang hình thức học trực tuyến, nhiều gia đình không có thiết bị học phù hợp trong khi không ít học sinh còn bỡ ngỡ với việc sử dụng điện thoại, máy tính.
Mong muốn đem lại bài giảng sinh động, hấp dẫn, thầy Vỹ đã không ngừng ứng dụng CNTT trong giảng dạy trực tiếp lẫn trực tuyến.
Để việc học trực tuyến hiệu quả, thầy Vỹ chia sẻ: “Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học trực tuyến có vai trò đặc biệt quan trọng bởi lẽ học sinh thường cảm thấy uể oải, mất tập trung khi ngồi trước màn hình thời gian dài nên giáo viên phải tìm cách khơi gợi hứng thú cho các em”.
Thầy Vỹ cho biết, trước mỗi chủ đề, thầy thường tìm kiếm hình ảnh, video để trình chiếu trong giờ học. Bên cạnh kiến thức trong sách giáo khoa, thầy thường lồng ghép nội dung dạy với những hiện tượng tự nhiên, với thiên nhiên Việt Nam. Từ đó, học sinh hiểu rằng mỗi bài học Địa lý không hề khô khan mà đều gắn bó với thực tế và cuộc sống.
Trước mỗi bài học trực tuyến, thầy Vỹ đều xây dựng kế hoạch bài dạy bảo đảm nội dung kiến thức truyền đạt đầy đủ và cô đọng nhất. Thầy thường thiết kế trò chơi khởi động liên quan đến bài học cũ rồi kết nối đến bài học mới. Các trò chơi chủ yếu được thiết kế trên phần mềm PowerPoint với đa dạng cách thức như tìm mảnh ghép, ô chữ, xác định vị đối tượng địa lý trên bản đồ…
“Tuy nhiên, trong quá trình thiết kế bài giảng online, tôi cho rằng không nên lạm dụng quá nhiều các ứng dụng công nghệ khiến thời gian tiết học bị kéo dài nhưng nội dung giảng dạy lan man. Ứng dụng công nghệ song hành với cô đọng bài giảng sẽ giúp học sinh có thể vừa học vừa chơi nhưng không cảm thấy nhàm chán”, thầy Vỹ cho hay.
Tại Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, phụ huynh học sinh đa phần đều bận rộn nên ít quan tâm đến việc học tập của con cái hoặc giao khoán cho nhà trường chăm sóc. Thầy Vỹ cho biết, nhiều học sinh đầu cấp nói tiếng phổ thông chưa thạo, còn sai dấu hoặc nói ngọng. Trong quá trình dạy, giáo viên cũng phải quan tâm, cho các em tập đọc nhiều hơn, chỉnh sửa lỗi sai để các em phát âm đúng, chuẩn. Ngay trong quá trình giảng dạy, thầy Vỹ thường lồng ghép kiến thức về pháp luật, giúp học sinh nhận thức những hành vi vi phạm pháp luật cần phòng tránh hay những bài học về tham gia giao thông an toàn, đúng luật. Bên cạnh đó, thầy thường xuyên bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất năng lực cho học sinh thông qua những bài giảng về kỹ năng sống.
Đặc biệt, trong cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh niên, nhi đồng tỉnh Đắk Lắk lần thứ VIII năm 2020, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Ea Blang, thị xã Buôn Hồ có em Nguyễn Thị Ngân, lớp 9A do thầy giáo Lê Văn Vỹ hướng dẫn tham gia dự thi với sản phẩm “Mô hình mạng lưới giao thông Việt Nam” và giành giải Khuyến khích. Đối với cả thầy và trò, đó là thành công tuyệt vời trong thời gian dài nghiên cứu, sáng tạo lắp đặt, thử nghiệm thực tế. Được biết, mô hình này sẽ trở thành giáo cụ trực quan sinh động cho các khoá học sinh tiếp theo.
Nhật Nam