Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thông tin được đưa ra tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 7 ngày 29/7 tại trụ sở Bộ Công Thương.
Tại cuộc họp, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường hàng hóa thế giới trong tháng 7 tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị.
Đơn cử, từ đầu tháng 3, do xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine, cùng với nhiều lệnh cấm vận dầu khí của Hoa Kỳ và các nước EU đối với Nga và lệnh cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng của Nga... đã ảnh hưởng rất lớn tới nguồn cung, giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới. Nhiều nhân tố địa chính trị, kinh tế khác cũng tạo sức ép khác nhau lên giá dầu. Chưa kể, giá USD và giá vàng tiếp tục có biến động gây ảnh hưởng đến giá các mặt hàng kim loại quý, kim loại công nghiệp, mặt hàng xuất khẩu được định giá bằng USD. Những yếu tố này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến hàng hóa ở thị trường nội địa.
Trong nước, do tháng 7 là tháng cao điểm của mùa hè nên nhu cầu đối với các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng tăng cao.
Ngoài mặt hàng xăng có xu hướng giảm do ảnh hưởng của giá thế giới và tác động của việc điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn thì giá một số mặt hàng nông nghiệp như thịt lợn, thức ăn chăn nuôi tiếp tục có xu hướng tăng so với tháng trước, giá thịt lợn ở mức cao có nguy cơ ảnh hưởng đến tiêu dùng của người dân.
Đối với xăng dầu, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nhận định, thị trường xăng dầu thời gian tới còn biến động rất phức tạp và có nhiều thông tin tác động trực tiếp đến nguồn cung, giá cả như chiến sự Nga - Ukraine, thông tin châu Âu cắt giảm khí đốt, các phân tích liên quan đến áp giá trần của Nga…
Petrolimex đã mời một số nhà cung cấp nước ngoài để cung cấp xăng dầu cho Tập đoàn từ giờ đến cuối năm, song không có nhà cung cấp nào dám khẳng định sẽ cung cấp đầy đủ lượng mà Petrolimex yêu cầu.
Những ngày gần đây, giá xăng dầu có biến động bất thường, tăng giảm khó dự đoán. Đồng USD mạnh lên cũng ảnh hưởng đến giao dịch mặt hàng xăng dầu, tác động đến mặt hàng này trong thời gian tới.
Mặc dù thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều vấn đề khó đoán, song ông Trần Ngọc Năm cũng khẳng định, về cơ bản, nguồn cung sẽ ổn.
"Đến giai đoạn này, Nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn hoạt động với 110% công suất, tính ổn định cao. Nhà máy Nghi Sơn cũng dần chuyển sang trạng thái hoạt động tương đối ổn. Đây là cơ hội để các nhà máy đạt được kết quả tốt khi chi phí lọc dầu đang cao, góp phần giúp chủ động ổn định nguồn.
Bên cạnh đó, ngoài Petrolimex, các doanh nghiệp khác cũng đang tích cực tìm những nhà cung cấp quốc tế để đa dạng hóa nguồn hàng cho mọi tình huống xảy ra. Do vậy, việc đảm bảo nguồn từ nay đến cuối năm vẫn nằm trong tầm kiểm soát", ông Năm thông tin.
Ngoài xăng, dầu, các thành viên của Tổ điều hành thị trường trong nước cũng nhìn nhận: Giá thịt lợn đang có biến động theo chiều hướng tăng.
Theo Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 7 đạt 485.984,4 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có quy mô cao hơn và đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh. Ước tổng mức bán lẻ 7 tháng đầu năm đạt 3.205.838,7 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021.
Để bình ổn giá mặt hàng này, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nỗ lực tăng nguồn cung. Tính đến cuối tháng 6, cả nước đã có 24,2 triệu con lợn, tăng 3,8% so với cùng kỳ; đàn lợn giống có 3,2 triệu con, tăng gần 2% so với cùng kỳ. Như vậy, nguồn cung thịt lợn có tăng so với năm ngoái.
Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo giá lợn hơi có thể chạm mốc 80.000 đồng/kg vào quý III. Tuy nhiên, đà tăng này có thể chỉ kéo dài trong ngắn hạn và sớm hạ nhiệt vào quý IV. Bởi lẽ, với mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2022, Chính phủ sẽ áp dụng một số biện pháp bình ổn trong trường hợp giá thịt lợn tăng quá nhanh.
VNDirect cũng dự báo bình quân giá lợn trong nửa cuối năm 2022 khoảng 65.500 đồng/kg, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổ điều hành thị trường trong nước cho biết, để đảm bảo nguồn cung thịt lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định sẽ làm tốt các việc như kiểm soát tốt dịch bệnh, đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, liên kết chuỗi... để đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá thị trường thịt lợn.
Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương) cũng xác định sẽ tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, trong đó có mặt hàng thịt lợn.
Thời gian qua, giá lợn hơi tăng, sự chênh lệch về giá lợn, các sản phẩm từ lợn giữa Việt Nam và các nước láng giềng dẫn đến hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới giữa Việt Nam và các nước có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước, giá cả thị trường; làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng... giữa các nước với Việt Nam.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn, đến nay chưa xuất hiện tình trạng xuất lậu lợn qua các khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Tuy nhiên, theo diễn biến tình hình thị trường, vẫn có khả năng tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp. Do vậy, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu các sở, ngành thành viên có liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra, vào Việt Nam.
Ngày 29/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành công điện số 4436 chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội.
Nội dung công điện nêu rõ, trong giai đoạn hiện nay, mặc dù giá xăng dầu đã bước đầu giảm, nhưng giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân vẫn ở mức cao gây ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và cuộc sống của người dân.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trong cả nước tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, tham gia công tác bình ổn giá và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh, hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính.