Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, ngày 31/10/2023 vừa qua, Hội An đã chính thức gia nhập thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực "Thủ công và nghệ thuật dân gian". Từ khi gia nhập vào mạng lưới thành phố sáng tạo, Hội An luôn nỗ lực không ngừng để thực hiện tốt vai trò của một thành viên; thành phố xác định việc hoàn thiện về chính sách và nguồn lực để xây dựng và phát triển thành phố sáng tạo Hội An là một trong những nhiệm vụ then chốt, trọng tâm trong thời gian tới.
Hội thảo nhằm tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về nguồn lực, chính sách mà thành phố có thể huy động để thực hiện các cam kết trong quá trình gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN). Đặc biệt là các giải pháp nhằm thu hút sự tham gia của giới trẻ, phát triển tài năng trên các lĩnh vực văn hóa sáng tạo, ứng dụng công nghệ số trong việc quảng bá nhằm tăng thêm giá trị và chỗ đứng trong bối cảnh đương đại.
Đồng thời có cơ chế, chính sách thúc đẩy người dân và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục tiên phong trong sản xuất sản phẩm theo xu hướng xanh, bền vững, có chất lượng, hướng đến bảo vệ thiên nhiên, dựa trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa.
ThS. Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTT&DL cho rằng, tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian là bước đi hết sức chủ động và sáng suốt của Hội An bởi đô thị nhận thức được thế mạnh nổi bật của địa phương trong lĩnh vực này.
Trong bối cảnh Việt Nam đặt ra những mục tiêu cụ thể về phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo của Việt Nam tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO cũng như các mục tiêu về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP được đề ra trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, với tư cách là một trong những thành phố của Việt Nam sớm gia nhập UCCN, Hội An cần đưa vào chính sách phát triển của thành phố những giải pháp và hành động mang tính toàn diện và kịp thời nhằm phát triển giao lưu văn hoá, hợp tác quốc tế từ chính sách, con người đến cơ sở hạ tầng, góp phần đạt được những mục tiêu chung về hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.
Còn PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thủy, Ban Nghiên cứu văn hóa, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đánh giá, việc gia nhập vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là điểm khởi đầu và cam kết vững chắc hướng tới phát triển bền vững, có thể trở thành động lực và chất xúc tác cho kinh tế sáng tạo và tăng trưởng bao trùm, nếu như thành phố nắm bắt và thực thi được các giải pháp tối đa hóa tiềm năng của danh hiệu này như một công cụ chính sách có ý nghĩa chiến lược cho phát triển bền vững.
Để định vị vững chắc như một thành phố sáng tạo, phát huy tối đa những tiềm năng, cơ hội mới cho sự phát triển bền vững, bao trùm, Thành phố cần chú ý hoàn thiện quy hoạch, trong đó có đề án quy hoạch quan trọng như: Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035".
Cần chú ý triển khai các cơ chế, chính sách phù hợp tạo môi trường thuận lợi cho sự sáng tạo; và để sự sáng tạo thực sự đơm hoa kết trái cần tăng cường tạo dựng hệ sinh thái sáng tạo của thành phố, thu hút sự tham gia của các khu vực công và tư, các tổ chức phi lợi nhuận và cộng đồng địa phương trong việc đảm bảo công bằng xã hội và tính bền vững về kinh tế-xã hội, thúc đẩy sự đổi mới.
"Trong bối cảnh biến đổi nhanh, đầy thách thức như hiện nay, với các vấn đề có tính chất sinh tồn như: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, sự hữu hạn và không thể tái tạo của các tài nguyên khan hiếm…việc xây dựng các thành phố sáng tạo, hòa nhập, bền vững và có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường cần được nhấn mạnh, qua việc khuyến khích và áp dụng các mô hình tăng trưởng xanh, tuần hoàn, dẫn dắt các nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ bền vững mà TP. Hội An cần đóng vai trò tiên phong". PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thủy nhận định.
Lưu Hương