Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cán bộ NHCSXH huyện Mộc Châu tới thăm đồi chè của hộ dân thị trấn Nông trường Mộc Châu - Ảnh: Báo Sơn La
Tại những bản vùng sâu, vùng xa, từ nguồn vốn vay NHCSXH huyện, bà con đầu tư các mô hình chăn nuôi (cá, gia súc, gia cầm), trồng trọt (chè, cam Vinh, bưởi Diễn…) để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Tại huyện Mộc Châu, thời gian qua, NHCSXH đã khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Theo đó, nguồn vốn tín dụng chính sách được tập trung đầu tư cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn toàn huyện. Trong đó ưu tiên đầu tư cho "tam nông", giáo dục đào tạo, chú trọng đầu tư vốn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Nguồn vốn của NHCSXH đã góp phần giúp cho 5.454 lượt hộ thoát nghèo theo từng giai đoạn điều tra. Cụ thể, giai đoạn 2003-2010, tỉ lệ hộ nghèo bình quân giảm 3%/năm; giai đoạn 2011-2015, giảm từ 10,5% năm 2011 xuống còn 7,3% năm 2015; giai đoạn 2016-2020, giảm từ 6,8% năm 2016 xuống còn 3,71% năm 2020; số liệu điều tra cuối năm 2021 cho thấy số hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trên địa bàn huyện còn 1.472 hộ, chiếm tỉ lệ 4,98%.
Vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ xây dựng 1.227 ngôi nhà và 14.446 công trình nước sạch- vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của hộ nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Cũng từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, 38 lao động là con hộ nghèo, hộ chính sách được xuất khẩu lao động.
Hàng chục nghìn hộ gia đình nhờ vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo và hơn 2.521 lao động trong huyện được tạo việc làm từ các dự án giải quyết việc làm.
Với chương trình tín dụng học sinh sinh viên, NHCSXH đã đầu tư vốn 1.051 em là con hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học.
Lãnh đạo Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mộc Châu cho biết thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường vai trò chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Ban đại diện HĐQT các cấp, nhất là vai trò của các thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện là Chủ tịch UBND các xã, thị trấn.
Qua đó, đưa công tác quản trị hoạt động NHCSXH của Ban đại diện ngày càng sát với thực tiễn hoạt động, đáp ứng được nhu cầu về giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.
NHCSXH huyện tiếp tục điều hành hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn có hiệu quả, bảo đảm cung cấp dịch vụ tới 100% người nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn./.