Theo quy hoạch về giao thông vận tải biển miền Trung, cảng Thuận An sẽ được nâng cấp đủ năng lực để đón tàu từ 3000 tấn đến 5000 tấn cập cảng. Các doanh nghiệp ở Thừa Thiên - Huế cho biết, nếu cảng Thuận An được sử dụng thường xuyên sẽ góp phần giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp trong hoạt động vận tải biển, qua đó thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Mặt khác, khi cảng hoạt động ổn định sẽ thu hút một lượng lớn tàu đánh bắt xa bờ của các tỉnh miền Trung trong việc khai thác, thu mua và chế biến hải sản cho xuất khẩu. Muốn vậy, việc chỉnh trị luồn cảng Thuận An phải đồng thời tiến hành chống sạt lở đi đôi với nạo vét, khơi luồng vào cảng. Hiện tại, việc chống sạt lở sắp hoàn thành, nhưng việc chỉnh trị luồng cảng Thuận An đang trong giai đoạn chờ vốn, trong khi việc bồi lấp cảng đang diễn ra thường xuyên, để càng lâu thì chi phí càng tốn kém. Công ty Cổ phần Cảng Thuận An đã mạnh dạn đầu tư 2,5 tỷ đồng mua một chiếc tàu nạo vét công suất nhỏ đưa vào sử dụng để khơi thông các điểm cạn trên luồng; tuy nhiên, việc chỉnh trị luồng cảng Thuận An rất cần sự đầu tư lớn hơn từ phía nhà nước...
Quốc Việt