Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Ảnh: VGP/Nguyên Linh |
Lượng mưa thiếu hụt
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì sáng nay (31/10) cho thấy, thời tiết từ đầu năm 2015 diễn biến hết sức bất thường, hạn hán, nắng nóng kéo dài trên diện rộng với nền nhiệt độ cao nhất trong ngày nhiều nơi lên tới trên 42 độ C.
Hơn nữa, khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có tổng lượng mưa thấp hơn cùng kỳ năm 2014, thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 30-60%. Đặc biệt, khu vực Nam Trung Bộ thiếu hụt từ 40-80% (có thời gian hụt tới 90%) so với TBNN.
Năm 2014, lượng mưa ở Trung Bộ thiếu hụt dẫn tới những tháng đầu năm 2015, tại nhiều địa phương đã không còn đủ nước cho sản xuất, sinh hoạt, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Đã có khoảng 40.000 ha không có nước phải dừng sản xuất, 122.000 ha thiếu nước và hàng chục nghìn người thiếu nước sinh hoạt.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong thời gian tới, lượng mưa ở Bắc Bộ xấp xỉ TBNN nhưng ở khu vực Trung Bộ có khả năng tiếp tục thiếu hụt từ 30-50% so với TBNN cùng thời kỳ. Thậm chí, nhiều khả năng tổng lượng mưa sẽ thiếu hụt trong chính mùa mưa. Lượng mưa ở khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ và Bình Thuận thấp hơn khoảng 20-40% và mùa mưa cũng kết thúc sớm hơn so với TBNN.
Sẽ còn nhiều khó khăn
Cũng theo báo cáo từ các địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hầu hết các hồ chứa đều không đủ nước trữ theo thiết kế. Trên hệ thống các hồ thủy điện, tổng lượng nước về các hồ khu vực miền Trung, miền Nam tính đến thời điểm hiện nay thấp hơn TBNN khoảng 11,12 tỉ m3 và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014 khoảng 32,43 tỉ m3 (tương đương 52%).
Tổng dung tích đã tích được nước của các hồ chứa thuỷ điện là 24,05 tỉ m3, chiếm 72,78% tổng dung tích hữu ích. EVN cho hay, để tích đầy các hồ, từ nay đến cuối năm cần phải tích thêm gần 9 tỉ m3. Nhưng với diễn biến thủy văn như hiện nay thì việc tích đầy hồ là rất khó khăn, nhiều hồ sẽ không tích được đến mực nước dâng bình thường.
Tại các hồ thuỷ lợi khu vực Bắc Trung Bộ, đã là cuối mùa mưa nhưng nhiều hồ mới đạt khoảng 40-50% dung tích thiết kế (như hồ Cửa Đạt mới tích được 490 triệu m3, đạt 46%; hồ Hủa Na tích được 179 triệu m3, đạt 47%).
Khu vực Trung Trung Bộ mới chỉ đạt 20-30%, cuối mùa lũ khả năng chỉ đạt 30-40% dung tích thiết kế. Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sau khi cung cấp nước cho sản xuất vụ Đông Xuân tới, nhiều hồ chỉ còn 10-20% dung tích. Điều này dẫn đến nguy cơ không đủ nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt nếu không điều chỉnh lại việc phát điện để tích trữ nước.
Do hạn hán, xâm nhập mặn cũng diễn ra mạnh và rộng. Đặc biệt là tại vùng ĐBSCL, xâm nhập mặn xuất hiện sớm, vào sâu trong đất liền so với cùng kỳ. Từ tháng 12, ở các vùng cách biển 25-35 km, mặn có khả năng vượt quá 4 g/l. Còn từ tháng 1-2/2016 trở đi, các vùng này gần như không có khả năng lấy nước ngọt. Các vùng cách biển 45-65 km, nếu mùa mưa đến chậm, xâm nhập mặn có thể kéo dài đến tháng 6/2016, ảnh hưởng nặng nề tới vụ Đông Xuân, Xuân Hè, cây công nghiệp ngắn ngày, nuôi tôm...
Như vậy, vụ Đông Xuân năm 2015-2016 và năm 2016, nếu không chủ động tính toán và có phương án điều hành sử dụng nguồn nước cho phù hợp, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước cho sản xuất và ngay cả nước sinh hoạt sẽ có nguy cơ xảy ra gay gắt, khốc liệt hơn những tháng đầu năm 2015 tại nhiều địa phương ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đang đề xuất một số biện pháp để các địa phương triển khai phương án phòng, chống hạn, chủ động tích trữ nước ở các hồ chứa thuỷ lợi, thủy điện nhằm phục vụ cho sản xuất, nhất là cho sinh hoạt trong thời gian tới.
Nguyên Linh