Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sau 5 ngày xét xử và nghị án, chiều 21/4, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt 12 bị cáo trong vụ án thông thầu xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 222, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.
Tòa đã tuyên phạt 5 bị cáo nguyên cán bộ, lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội gồm Nguyễn Quang Tuấn (sinh năm 1967, nguyên Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng mua sắm Bệnh viện) 3 năm tù; Nguyễn Thị Dung Hạnh (sinh năm 1969, nguyên Kế toán trưởng, Trưởng Phòng Tài chính kế toán) 2 năm tù; Hoàng Thị Ngọc Hưởng (sinh năm 1961, nguyên Phó Giám đốc), Đoàn Trọng Bình (sinh năm 1960) và Nghiêm Tuấn Linh (sinh năm 1980, đều nguyên là Phó trưởng Phòng Vật tư y tế) cùng bị phạt 2 năm 6 tháng tù.
Ba bị cáo thuộc Công ty Cổ phần thiết bị y tế Hoàng Nga (viết tắt là Công ty Hoàng Nga) gồm Nguyễn Đức Đảng (sinh năm 1976, Chủ tịch Hội đồng quản trị) 3 năm 6 tháng tù; Phạm Huy Lập (sinh năm 1952, Giám đốc) 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Phạm Thị Kim Oanh (sinh năm 1981, Kế toán Trưởng) 2 năm tù.
Bị cáo Phan Tuấn Đạt (sinh năm 1967) nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Phó Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ sinh học Kim Hòa Phát (viết tắt là Công ty Kim Hòa Phát) 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Ba bị cáo thuộc Công ty Cổ phần đầu tư và định giá AIC Việt Nam (viết tắt là Công ty định giá AIC) gồm Trần Phú Hưng (sinh năm 1976, Phó Tổng Giám đốc) 2 năm 6 tháng tù; Nguyễn Hồng Dũng (sinh năm 1982, Phó Tổng Giám đốc, Thẩm định viên) 2 năm tù; Nguyễn Trung Dũng (sinh năm 1989, nhân viên thẩm định giá) 23 tháng 8 ngày tù (bằng thời gian bị tạm giam nên được trả tự do ngay sau phiên tòa).
Theo cáo buộc, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội đã có chủ trương cho một số doanh nghiệp được ký gửi vật tư tại Bệnh viện Tim Hà Nội, để bệnh viện sử dụng trước, sau đó chỉ đạo cấp dưới hợp thức, hoàn thiện thủ tục cho doanh nghiệp trúng thầu để thanh toán.
Hành vi trên diễn ra tại 9 gói thầu trong các năm 2016, 2017 giữa Bệnh viện Tim Hà Nội với 2 công ty Kim Hòa Phát và Hoàng Nga, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 53,5 tỷ đồng.
Cơ quan công tố xác định, ông Tuấn đã chỉ đạo Phó Giám đốc bệnh viện cùng thuộc cấp liên hệ, thông đồng với Công ty thẩm định giá AIC, nhằm chỉ định công ty này làm đơn vị thẩm định giá gói thầu trái quy định.
Từ đó, Bệnh viện Tim Hà Nội, Công ty Kim Hòa Phát, Công ty định giá AIC đã thông đồng về giá dự toán trong danh mục mua sắm, giá kế hoạch đấu thầu mặt hàng stent để Kim Hòa Phát tham gia dự thầu khi giá các mặt hàng cao hơn thị trường. Hành vi trên được thực hiện tương tự với Công ty Hoàng Nga.
Bản án sơ thẩm nêu rõ, hành vi phạm tội của các bị cáo đã xâm phạm đến hoạt động đấu thầu, gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành Y tế và hoạt động của Bệnh viện Tim Hà Nội.
Hành vi phạm tội của các bị cáo làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước nên cần áp dụng hình phạt tù nghiêm khắc.
Hội đồng xét xử nhận định, bị cáo Nguyễn Quang Tuấn là chuyên gia đầu ngành trong điều trị tim mạch, bị cáo được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương, Bằng khen cao quý; bản thân là giáo sư, từng là công dân thủ đô ưu tú, nguyên là Đại biểu quốc hội, đã cứu sống cho nhiều người và được nhân dân khen ngợi. Đây là đóng góp của bị cáo.
Hành vi phạm tội của bị cáo xảy ra trong thời điểm ngành y tế đang gặp khó khăn, tuy nhiên bị cáo đã thành khẩn khai báo, nhận hết trách nhiệm về mình, bản thân bị cáo đã nộp số tiền vụ lợi là 10.000 USD. Trong vụ án này, bị cáo không có trách nhiệm phải bồi thường, nhưng bị cáo Tuấn và gia đình đã tự nguyện nộp 6 tỷ đồng.
Đánh giá hành vi của bị cáo Nguyễn Quang Tuấn không liên quan chuyên môn ngành y nên Hội đồng xét xử cho rằng cần xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo thấp hơn mức đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát cho bị cáo để bị cáo sớm được trở về với cộng đồng để có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội.
TTXVN