Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Đó là những điều kiện cần thiết Bộ Y tế yêu cầu tại Thông tư quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Theo quy định, nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm phải được đóng gói và bảo quản ở vị trí cách nền tối thiểu 20cm, cách tường tối thiểu 30cm và cách trần tối thiểu 50cm.
Bao bì thực phẩm phải bảo đảm chắc chắn, an toàn; không thôi nhiễm các chất độc hại, không ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn thực phẩm; không bị ô nhiễm bởi các tác nhân ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Với cơ sở sản xuất thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu khu vực sản xuất không bị ngập nước, đọng nước; không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trùng, vi sinh vật gây hại; không bị ảnh hưởng từ các khu vực ô nhiễm bụi, hóa chất độc hại và các nguồn gây ô nhiễm khác.
Trang thiết bị, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm phải được thiết kế chế tạo bảo đảm an toàn; được làm bằng vật liệu không gây ô nhiễm thực phẩm; phù hợp với yêu cầu công nghệ sản xuất, dễ làm sạch, khử trùng, bảo dưỡng. Đối với trang thiết bị, dụng cụ sản xuất cơ động phải bền, dễ di chuyển, tháo lắp và dễ làm vệ sinh.
Người có bệnh không trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Thông tư cũng quy định rõ, chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải được tập huấn và được cấp Giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định.
Những người này phải được khám sức khỏe và được cấp Giấy xác nhận đủ sức khỏe theo quy định.
Người đang mắc các bệnh hoặc các chứng bệnh thuộc danh mục các bệnh hoặc chứng bệnh truyền nhiễm mà người lao động không được phép tiếp xúc trực tiếp trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đã được Bộ Y tế quy định thì không được tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có đủ dụng cụ thu gom chất thải, rác thải. Nơi tập kết, xử lý chất thải phải ở ngoài khu vực sản xuất thực phẩm.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/11/2012.
Thanh Hoài