Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tốc độ tăng, giảm CPI của tháng 8 và 8 tháng các năm 2019-2023 (%) - Nguồn: GSO
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; riêng nhóm bưu chính, viễn thông giá giảm 0,17%.
So với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng các tháng từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm. Trong đó, CPI tháng 1 tăng cao nhất với 4,89%, sau đó giảm dần đến tháng 6 mức tăng chỉ còn 2%, tháng 7 tăng ở mức 2,06%, sang tháng 8 mức tăng lên 2,96% nhưng vẫn thấp hơn các tháng đầu năm nay.
Nguyên nhân là do giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới làm cho chỉ số giá nhóm giao thông liên tục giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, từ mức giảm 0,18% trong tháng 2/2023 đã giảm mạnh 11,98% trong tháng 6/2023 và giảm 0,31% trong tháng 8/2023.
Riêng trong tháng 8, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,78% so với tháng trước, làm CPI chung tăng 0,26 điểm phần trăm. Trong đó, lương thực tăng 3,28%; thực phẩm tăng 0,48%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,47%. Chỉ số giá nhóm gạo tăng 4,41% (gạo tẻ thường tăng 4,94%; gạo tẻ ngon tăng 3,09% và gạo nếp tăng 1,24%).
Thời gian gần đây, giá gạo trong nước tăng cao theo giá gạo xuất khẩu do lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Nga, UAE. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đã khiến thị trường gạo toàn cầu diễn biến phức tạp hơn.
Giá gạo tăng đã tác động đến giá các mặt hàng lương thực chế biến và ngũ cốc khác như: Giá khoai tăng 4,37%; ngô tăng 1,81%; bún, bánh phở, bánh đa tăng 1,17%; bột mỳ tăng 0,66%; miến tăng 0,65%; mỳ sợi, mỳ, phở, cháo ăn liền tăng 0,31%; bột ngô tăng 0,16%.
Bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022./.
Minh Ngọc