Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Ảnh minh họa |
Dấu vết một vụ rơi thiên thạch khổng lồ đường kính 15 km được phát hiện trên lãnh thổ Mexico, có niên đại trùng với thời gian xảy ra sự kiện kinh hoàng đã chấm dứt 160 triệu năm thống trị của loài khủng long trên Trái Đất. Cùng thời gian này trên vùng đất ngày nay là cao nguyên Đêcan của Ấn Độ cũng xảy ra những đợt phun trào không ngừng của núi lửa. Cả vụ rơi thiên thạch lẫn các đợt phun trào của núi lửa đều có thể che lấp ánh sáng Mặt Trời, làm nhiệt độ trên Trái Đất lạnh đi và dẫn đến sự hủy diệt của nhiều loài sinh vật.
Theo các nhà khoa học, thiên thạch khổng lồ rơi xuống Trái Đất đã gây ra các đám cháy khổng lồ, các trận động đất hơn 10 độ richter, những vụ trượt lục địa và các trận sóng thần. Năng lượng của vụ va chạm này lớn gấp hàng tỉ lần năng lượng vụ nổ bom nguyên tử ném xuống Hiroshima của Nhật Bản. Mô hình hóa các quá trình khí quyển cho thấy sự rơi của thiên thạch làm bắn vào khí quyển lượng lưu huỳnh, tro bụi nhiều hơn nhiều so với núi lửa phun trào, điều đó đã gây ra một mùa Đông dài khác thường và hủy diệt khoảng một nửa loài sinh vật trên Trái Đất.
Sự kiện kinh hoàng này đã mở đường cho một thời kì mới, thời kì thống trị của động vật có vú trên hành tinh, trong đó có con người.
Thành phố mang tên Google ở Mỹ
Trong tháng 3/2010, thành phố Topeka thuộc bang Kansas (Mỹ) sẽ mang tên mới là Google. Đây là tuyên bố của Thị trưởng thành phố Topeka, William Bunten, khi thành phố này đang trong nỗ lực trở thành trung tâm thử nghiệm mạng băng thông rộng siêu tốc của Google - "gã khổng lồ" trong lĩnh vực tìm kiếm thông tin trên mạng Internet.
Trong tháng 2/2010, tập đoàn Google đã công bố kế hoạch xây dựng các mạng băng thông rộng siêu tốc với tốc độ truy cập Internet 1 GB/giây, nhanh hơn gấp 100 lần so với hiện nay, đồng thời cho biết các mạng quang học này sẽ được thử nghiệm tại một số ít các thành phố của Mỹ. Do đó, nhiều khu vực ở Mỹ đang nỗ lực thể hiện sự quan tâm đối với Google để được hãng này lựa chọn là nơi thử nghiệm công nghệ mới. Dự kiến, Google sẽ công bố các khu vực được lựa chọn thử nghiệm mạng băng thông mới vào cuối năm 2010.
Dự án phong điện lớn nhất thế giới của Thụy Điển
Chính phủ Thụy Điển vừa phê chuẩn kế hoạch xây dựng khu công viên các nhà máy sản xuất điện từ sức gió lớn nhất thế giới. Theo kế hoạch trên, Thụy Điển sẽ xây dựng khu công viên các trạm sản xuất điện gió trên khu vực có diện tích 450 km vuông, với hệ thống máy phát điện dọc bờ biển phía Đông Bắc nước này. Khi đưa vào sử dụng, công suất của hệ thống máy phát điện này sẽ đạt 8 đến 12 TW/giờ, tương đương với 2 nhà máy điện nguyên tử, đưa sản lượng điện trong nước tăng lên từ 3 đến 4 lần.
Chính phủ trung hữu ở Thụy Điển đã đặt ra mục tiêu trong vòng 10 năm tới sẽ xây mới 2 nghìn trạm sản xuất phong điện.
Việc đầu tư vào sản xuất phong điện đang được chính phủ các nước châu Âu hết sức chú trọng. Trước đó, Chính phủ Đức đã thông qua kế hoạch lập các đặc khu để xây dựng 25 dự án sản xuất điện từ sức gió ở vùng Biển Bắc và biển Baltic, tất cả cách bờ biển của Đức từ 12 đến 200 km.
Linh Đức