Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: VGP/Phương Liên |
Làm báo cần lòng dũng cảm
Làm báo thì điều quan trọng là phải nói lên sự thật, ông Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định, đây có vẻ là một đòi hỏi không có gì quá khó khăn, nhưng trên thực tế mọi chuyện lại không đơn giản như vậy. Nói lên sự thật nhiều khi khó vô cùng.
Ông nhắc lại câu chuyện xưa “Bộ quần áo của hoàng đế” trong truyện cổ Andersen. Trong câu chuyện này, có một sự thật là việc đức vua đang ở tình trạng "không quần, không áo" là điều ai cũng biết. Nhưng không phải ai cũng dám nói ra cái điều mình biết, hay chính xác hơn, không một ai dám nói ra cái điều mình biết ngoại trừ một cậu bé ngây thơ. Có vẻ như cậu bé đó đã không có đủ khôn ngoan để khen bộ quần áo đẹp tuyệt vời của đức vua mà cậu ta không nhìn thấy. Vì thế cậu ta mới hét toáng lên: “Ơ kìa, đức vua ở truồng”. Sau khi cậu bé nói ra sự thật thì tất cả dân chúng đều đồng thanh khẳng định điều cậu nói.
Việc bộc bạch, nói lên sự thật không chỉ không dễ dàng, theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, mà nhiều khi còn là không khôn ngoan. Rõ ràng, trong câu chuyện trên chỉ đứa trẻ mới dám nói sự thật trong khi những người lớn khôn ngoan thì hết lời ca ngợi "bộ trang phục" mà họ không nhìn thấy trên người đức vua. Thế nhưng, cuối cùng, cũng phải có ai đó nói lên sự thật để giải thoát được đức vua khỏi tình cảnh bi hài của mình.
Các nhà báo phải nói lên sự thật không phải vì ngây thơ như đứa trẻ mà vì lòng dũng cảm.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng không phải trong tất cả mọi trường hợp nói sự thật đều phải trả giá. Cậu bé nói lên "sự thật động trời" trong truyện của Andersen đã không phải trả giá. Lý do là vì sự thật cậu ấy nêu được rất nhiều người chứng kiến. Những người làm báo muốn nói lên sự thật thì cũng phải có thật nhiều người chứng kiến sự thật ấy. Ngoài ra, còn cần phải thu thập chứng cứ thật đầy đủ, thật khách quan.
Quả thực, nhận biết sự thật là một chuyện, dám nói ra sự thật là chuyện khác. Làm báo cần sự dũng cảm chứ không phải sự ngây thơ, ông Dũng chia sẻ.
Nhà báo cần khách quan, thiện chí, trung thực
Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, ở nước ta cũng như một số nước trên thế giới, việc xây dựng, thay đổi các chính sách có phần chịu sự tác động lớn từ truyền thông.
Khi nhà báo dấn thân có nghĩa là nhà báo không chỉ lăn xả vào những nơi nguy hiểm mà họ còn phải đi tới tận cùng, dám lật những mặt trái của chính sách trong những tác phẩm báo chí của mình. Nghề báo là một nghề có nhiều rủi ro, càng dấn thân tới tận cùng thì rủi ro càng nhiều (trong khi nếu chỉ mô tả về mặt thuận thì hầu như không có rủi ro).
Nếu đề cập phản ứng phụ (mặt trái) thì rõ ràng sự rủi ro sẽ gia tăng đáng kể. Bởi thế, khi thông tin để thấy các góc cạnh khác nhau của chính sách, nhà báo cần khách quan, thiện chí và xây dựng. Nhà báo sẽ đi xa hơn trong thông tin về chính sách nếu khách quan, thiện chí và xây dựng, còn nếu chỉ để công kích thì rủi ro sẽ cao hơn.
Song vì sự thật, vì một xã hội minh bạch hơn hay quyền thông tin của người dân, nhà báo vẫn phải dấn thân.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, để khuyến khích có thêm nhiều nhà báo dấn thân, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần vào cuộc nghiêm túc khi pháp luật trong hoạt động báo chí bị xâm hại. Chẳng hạn, trong trường hợp nhà báo bị hành hung thì đối tượng hành hung nhà báo phải bị khởi tố hoặc xử lý hành chính ngay. Bên cạnh đó, Hội Nhà báo phải được thiết kế để Ban lãnh đạo Hội chịu trách nhiệm và bảo vệ được hội viên.
Đồng thời dư luận và người dân có thể tạo ra sức ép lớn để bảo vệ nhà báo. Cần khơi gợi được sức mạnh này. Cuối cùng, nhà báo phải có kỹ năng cần thiết trong khi tác nghiệp cũng như bảo vệ chính mình mình.
Phương Liên