• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc xứng danh “Nhà Hà Nội học”

(Chinhphu.vn)- Nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc đã viết hàng trăm bài báo, hàng chục cuốn sách về Hà Nội và trở thành một trong số ít những nhà nghiên cứu chuyên về đời sống và con người đất Kinh kỳ. "Nhà Hà Nội học" là cách gọi trân trọng mà nhiều người dành cho ông.

26/08/2010 07:47

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc

Quê gốc ở Hưng Yên, từng dạy các môn Văn, Sử, Địa ở Hà Nội, vì thế ông Nguyễn Vinh Phúc dần đam mê nghiên cứu văn hóa, phong tục tập quán và lịch sử của đất Thăng Long.

Cũng bởi nhận thấy Hà Nội có một bề dày lịch sử văn hóa chưa được khai thác, khám phá là bao nên ông đã tự tìm hiểu, điều tra thực địa, tra cứu trong các thư viện, trước hết với mong muốn bài giảng của mình về Hà Nội phong phú, sống động hơn. Rồi ông say mê Hà Nội và đi sâu nghiên cứu về Hà Nội. Trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu, ông Nguyễn Vinh Phúc đã chọn cho mình con đường riêng để đến với Hà Nội. Đó là phương pháp nghiên cứu kết hợp đa ngành, luôn coi trọng tính khoa học, tính hệ thống trong trình bày, nhận định và phân tích.

Trước đây đã có một số người cũng dồn tâm sức nghiên cứu mảnh đất nghìn năm văn hiến như Doãn Kế Thiện, Hoàng Đạo Thúy, Trần Quốc Vượng ... song mỗi người trong số họ thường chỉ đi vào một mảng đề tài, khía cạnh nào đó, còn người dành cả đời nghiên cứu tỉ mỉ, sâu và toàn diện về Hà Nội thì đó là ông Nguyễn Vinh Phúc.

Ông đã in riêng 13 tập sách về Hà Nội bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp. Có thể kể đến những tác phẩm: Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Hà Nội; Hà Nội qua những năm tháng; Hà Nội con đường, dòng sông, lịch sử; Hanoi passé et présent; Hanoi past and present; Sites, histoire et légendes d’Hanoi; Hà Nội thành phố nghìn năm; Hà Nội và phụ cận; Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn; Mặt gương Tây Hồ; Phố và đường Hà Nội và mới đây nhất là cuốn Hà Nội - Cõi đất con người.

Cuốn “Hà Nội – Cõi đất, con người”, một công trình khảo cứu tiêu biểu về Hà Nội với 500 trang sách đã kể bao điều thú vị về đất Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến, chứng tỏ công phu tìm tòi, tra cứu của Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc.

Phần  đầu viết về “Cõi đất”, thật sự gây hứng thú cho người đọc ở các bài "Hà Nội 36 phố phường", "Các cửa  ô Hà Nội", "Lộ trình dời đô" v.v. Người đọc cũng thật bất ngờ trước những phát hiện: “Ô Cầu Giấy” và “Cầu Giấy” là 2 địa điểm cách nhau dăm cây số, hay đền Đồng Cổ ven Hồ Tây (Hà Nội) bắt nguồn từ ngôi đền cùng tên ở ven  sông Mã (Thanh Hóa).

Rồi nào là “làng Cơ Xá” quê Lý Thường Kiệt chính xác có từ đời Lý, đến thời Hồng Đức đã được xác định địa giới: bờ Đông từ cửa sông Đuống đến Phú Viên, Thạch Cầu. Phía Tây từ Yên Phụ xuống đến Lương Yên, giáp bãi Đồng Nhân.

Một số tác phẩm về Hà Nội của ông Nguyễn Vinh Phúc

Ông còn có những khảo cứu công phu và phát hiện về những nơi tiếp sứ nhà Thanh thời Lê và Tây  Sơn; về phường Hòe Nhai một thời vốn có nhiều ca quán, trà đình, dập dìu giai nhân, tài tử...

Phần hai viết về “Con người”, tác giả tập trung nghiên cứu 13 danh nhân. Dù là nhân vật cổ đại hay cận đại, ông đều có những phân tích mới…

Ông cũng nêu nhiều kiến giải mới, nhất là ở trong phần phẩm bình về thơ, phú của Nguyễn Huy Lượng, Phạm Đình Hổ, Hà Tông Quyền, Nguyễn Tư Giản… và người đọc còn gặp những dòng phân  tích tài tình về cái đẹp, vẻ tráng lệ của thơ phú xưa, đặc biệt sự khẳng định lại vị thế của Chu Mạnh  Trinh - học trò và chàng rể của Hà Nội - trong nền văn học cận đại là những trang viết đặc sắc của  ông.

Ông Nguyễn Vinh Phúc còn là chủ biên 5 bộ sách: Đường Hà Nội; Hỏi đáp 1000 năm Thăng Long; Du lịch Hà Nội; Thần tích Hà Nội và tín ngưỡng thị dân; Lịch sử Thăng Long - Hà Nội.

Cho dù chúng ta chưa hề có ngành khoa học nghiên cứu về Hà Nội  thì danh hiệu mà bạn đọc đặt cho ông đã từ lâu là “Nhà Hà Nội học” rất xứng với giá trị những công trình, tác phẩm của Nguyễn Vinh Phúc về Hà Nội.

Những trang viết của ông đã thực sự trở thành một nguồn tài liệu quý hiếm trong kho tàng lịch sử của Hà Nội. Không ít các nhà làm phim, những người làm du lịch đã coi tác phẩm của Nguyễn Vinh Phúc như cẩm nang tra cứu mỗi khi muốn tiếp cận với Thăng Long - Hà Nội.

Ông Nguyễn Vinh Phúc (bên trái) nhận Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội năm 2009. Ảnh: VOV

Giáo sư Sử học Lê Văn Lan đã đánh giá nét riêng nổi trội của ông như sau: "Ông là sự tiếp nối dòng mạch công trình của những cây bút chuyên khảo như Đào Duy Anh, Trần Văn Giáp, Hoa Bằng, Nguyễn Văn Tố, và lại chỉ khuôn các công trình của mình vào cho Hà Nội. Trong thời gian gần đây, miên man và cơ man nào là sách  viết về Hà Nội nhưng lại thiếu vắng hẳn những công trình như của Nguyễn Vinh Phúc".

Trong lần trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần II tổ chức vào tháng 8/2009, ông được nhận Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội về các thành tựu trong hơn 50 năm nghiên cứu và đã có các công trình, tác phẩm có giá trị về Hà Nội.

Những đóng góp cho Hà Nội, vì Hà Nội – mảnh đất ngàn năm văn hiến đã vinh danh người con Phố Hiến – Nhà giáo, Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc là 1 trong 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2010.

Hà Anh (nguồn: Hanoitv)