Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
|
Nhà kinh tế Muhammad Yunus (Bangladesh) được nhận giải thưởng Nobel hòa bình năm 2006 |
Ông Yunus được đặc biệt ca ngợi vì đã triển khai chương trình tín dụng nhỏ giúp được nhiều phụ nữ nghèo ở Bangladesh cải thiện cuộc sống và đưa họ thoát khỏi cảnh nghèo đói.
Ngân hàng Grameen do ông làm chủ đã đi đầu trong việc sử dụng hiệu quả tín dụng nhỏ để giúp hàng triệu người nghèo ở Bangladesh cải thiện cuộc sống bằng cách cho họ vay những khoản tiền nhỏ để khởi đầu việc làm ăn.
Vốn là giáo sư kinh tế tại Đại học Tổng hợp Chittagong (Bangladesh), Yunus thành lập Ngân hàng Grameen năm 1976 bằng cách cho 42 phụ nữ nghèo ở Bangladesh vay 27 USD tiền túi của ông. Có tiền mua dụng cụ dệt vải, họ dệt rất nhanh và cũng sớm hoàn lại tiền cho Yunus. Nhà kinh tế này đã chứng minh được rằng tín dụng là một vũ khí hữu hiệu để chiến thắng đói nghèo, đồng thời là chất xúc tác trong sự phát triển toàn diện cả về kinh tế lẫn xã hội của người nghèo, lớp người bị đẩy ra khỏi "quỹ đạo ưu tiên" của các ngân hàng.
Ngày nay, Ngân hàng đã có 6,6 triệu người vay, trong số đó tới 97% là phụ nữ, cung cấp dịch vụ đến hơn 70 nghìn ngôi làng ở Bangladesh. Mô hình tín dụng nhỏ này thực sự đem lại những thay đổi về mặt xã hội ở Bangladesh và thôi thúc những nỗ lực tương tự trên khắp thế giới.
Ủy ban Nobel nhận định “ông Yunus và Ngân hàng Grameen đã chứng tỏ được rằng ngay cả những người nghèo nhất cũng có thể tự phát triển” và “hòa bình kéo dài không thể đạt được nếu như dân số không thoát được cảnh nghèo khó, và mục tiêu của Yunus là chấm dứt nghèo đói trên thế giới”.
Cách làm thành công của Ngân hàng Grameen đã được nhiều nước đang phát triển, thậm chí các nước công nghiệp, trong đó có Mỹ, áp dụng. Đến nay, đã có 23 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới áp dụng mô hình “tín dụng nhỏ” này. Tại buổi công bố giải thưởng vào ngày 13/10, Ủy ban Nobel Na Uy đánh giá: “Yunus và Ngân hàng Grameen đã cho thấy rằng những người nghèo nhất trong số những người nghèo vẫn có thể làm việc và đi lên. Mô hình “tín dụng nhỏ” đã trở thành một lực lượng giải phóng quan trọng trong xã hội, nhất là tại những nơi mà phụ nữ phải chiến đấu cật lực với những điều kiện kinh tế - xã hội hà khắc. Tầm nhìn dài hạn của giáo sư Yunus là xóa nghèo trên khắp thế giới này”.
Ông Yunus sinh năm 1940 tại Chittagong - Bangladesh. Năm 1966, ông tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Dhaka và 3 năm sau, lấy bằng tiến sĩ kinh tế học tại Đại học Vanderbilt. Một thời gian ngắn sau đó, ông được phong hàm giáo sư kinh tế học.
Hoàng Anh