Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ô nhiễm môi trường là vấn đề phức tạp tại các địa phương có nền kinh tế phát triển. Tại Hưng Yên, hầu hết tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân phản ánh về vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm của hệ thống sông Bắc Hưng Hải, rác thải tại các làng nghề và vấn đề xả thải chưa qua xử lý tại các khu công nghiệp.
Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề này cần có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn thể nhân dân chứ không riêng gì trách nhiệm của lực lượng chuyên trách phòng, chống ô nhiễm môi trường.
Được biết, từ 10 năm trước, tại làng nghề Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên đã có gần 400 trẻ em bị nhiễm độc chì, cùng một vùng rộng lớn nguồn đất, nước bị nhiễm chì với nồng độ vượt hơn 1.000 lần cho phép.
Do càng đào sâu xuống thì mức độ ô nhiễm càng cao, nên buộc phải cô lập vùng đất nhiễm chì để tiến hành xử lý.
Những gì đã từng diễn ra khiến nhiễm độc chì luôn là nỗi sợ của người dân trong vùng ảnh hưởng. Nhưng kể từ khi di dời ra cụm công nghiệp, chưa có nghiên cứu đánh giá nào. Các lò tái chế chì ngày càng mở rộng quy mô, gia tăng sản xuất và xả thải ra môi trường như chẳng hề có sự liên quan.
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên cho biết đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam Chủ tịch HĐQT của Công ty TNHH Ngọc Thiên - một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải nguy hại và tái chế kim loại về tội gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thay vì phải chuyển giao chất thải rắn phát sinh đến các đơn vị có đủ chức năng tiếp nhận xử lý thì chủ doanh nghiệp lại đưa thẳng ra khu đất nông nghiệp của địa phương để đổ trộm rồi san lấp.
Bên cạnh đó, cũng tại thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên có nhiều phản ánh tình trạng mùi hôi từ nhà máy tinh luyện chì thuộc Công ty TNHH Kim loại màu Trường Hưng và Công ty cổ phần thương mại Tuấn Kiệt Hưng Yên phát tán ra môi trường, khiến đời sống của người dân bị đảo lộn.
Nhiều người dân ở gần nhà máy sản xuất chì tinh luyện này cho biết đang sống rất khổ sở vì mùi hôi bốc ra.
Từ lúc nhà máy có công suất trên 1.000 tấn chì tinh luyện/tháng này hoạt động đã xảy ra mùi hôi, nước xung quanh nhà máy chuyển màu, xỉ của nhà máy được mang đi chôn lấp nên ảnh hưởng tới sức khỏe.
Người dân đã nhiều lần phản ánh nhưng tình trạng mùi hôi từ nhà máy và chất thải được xả thải trực tiếp ra nước và đất vẫn không chuyển biến.
Được biết, những nhà máy này hoạt động nhưng chưa được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải sau xử lý đảm bảo nước thải, khí thải đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường xung quanh, chưa có hệ thống kho bãi chứa xỉ thải và xử lý chất thải nguy hại theo quy định
Đáng chú ý, mặc dù công ty đã vận hành sản xuất nhưng hiện tại nhà máy tinh luyện chì không được Bộ Tài nguyên môi trường cấp phép, chưa có giấy phép môi trường
Theo Điều 28, Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, các dự án đầu tư nhóm I, II, III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý/phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức thì phải có giấy phép môi trường. Dự án đầu tư, cơ sở thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh/thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mà có tiêu chí về môi trường tương đương với dự án đầu tư, cơ sở thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh không có giấy phép môi trường sẽ bị xử phạt 150-170 triệu đồng.
Ngoài bị phạt tiền, các dự án đầu tư, cơ sở không có giấy phép môi trường còn bị đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải từ 3-6 tháng; buộc di dời dự án đầu tư, cơ sở đến địa điểm phù hợp với quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu địa điểm đang thực hiện dự án đầu tư, cơ sở không phù hợp với quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường được phê duyệt).
Linh Anh