• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Nhạc sĩ Phú Quang: Không phải xa Hà Nội mới thấy nhớ

(Chinhphu.vn) - Tình yêu Hà Nội của nhạc sĩ Phú Quang không chỉ thể hiện bằng những ca khúc sâu lắng như Em ơi Hà Nội phố, Im lặng đêm Hà Nội, Lãng đãng chiều đông Hà Nội, Hà Nội ngày trở về… mà Hà Nội còn là tình yêu thật lớn của đời ông khi nhạc sĩ luôn chìm đắm trong nỗi nhớ da diết về mảnh đất quê hương ngay trong lúc ông đang ở trong lòng nó.

10/10/2014 14:21
Nhạc sĩ Phú Quang tại nhà riêng. Ảnh: VGP/Phương Liên
Trong ngôi nhà ven sông Hồng của nhạc sĩ Phú Quang, tôi được nghe người nhạc sỹ viết nhiều ca khúc mang dấu ấn rất riêng về Hà Nội với góc phố rêu phong, mái ngói xô nghiêng, những nhành cây, chiếc lá... bày tỏ tình yêu với Thành phố của mình... 

Mở đầu câu chuyện, nhạc sỹ nói rằng ngay khi đang sống từng giờ từng phút với Hà Nội đây, ông đã thấy nhớ da diết nó rồi. Thế nhưng câu chuyện về tình yêu mảnh đất này của ông lại chuyển sang một hướng khác hẳn. Câu chuyện như những mảng ký ức không thể phai mờ về thành phố hào hoa mà giản dị, sôi động mà lặng lẽ như lớp sóng cồn trong tâm hồn...

Bạn có để ý rằng khi nhớ người yêu, người ta sẽ nhớ đến những chi tiết nhỏ nhỏ. Nhớ một nụ cười, một ánh mắt nhìn hoặc một bàn tay nắm thật chặt cảm thông với người yêu của mình. Tôi nhớ Hà Nội cũng thường là nhớ đến những điều rất nhỏ. Thế nên khi có người hỏi tôi còn bao nhiêu những cái lớn lao thì không thấy nhắc đến trong sáng tác, tôi trả lời rằng nếu người ta không biết yêu cái nhỏ thì chẳng bao giờ yêu được cái lớn lao cả.

Muốn hiểu được tình yêu đó như thế nào có lẽ chúng ta phải đi xa. TP. Hồ Chí Minh đã ưu ái cho tôi rất nhiều. Mảnh đất ấy đã tạo điều kiện để tôi phát huy khả năng của mình. Tuy nhiên, trong hơn 20 năm xa Hà Nội, không lúc nào tôi thôi nhớ về Hà Nội, lúc nào tôi cũng nghĩ chỉ cần là tôi có thể về với nó ngay lập tức. Mỗi năm tôi có tới 5-7 lần về Hà Nội và mỗi lần như thế, tôi thường ở lại nửa tháng.

Khi xa Hà Nội, tôi nhớ rất rõ những ngày thơ bé. Ở Sài Gòn, khi nghe thấy một tiếng rao bán hàng ăn, tôi lại nhớ bà bán xôi sáng nào cũng ngồi chờ tôi trước ngõ. Nhớ những ngày cùng bạn bè chạy ra Công viên Thống Nhất khi còn đang xây dựng để mua một hộp bi ve. Đó là một sự sung sướng âm ỷ rất lâu, có khi còn hơn các cô, các bà mua được kim cương bây giờ. Tôi nhớ là cứ đến dịp 2/9 thì đêm 1/9 tôi không ngủ được, chỉ mong là sáng mai tầm 3-4 giờ để ra khỏi nhà đi xem duyệt binh. Những điều đó là những điều mình mang theo khi xa Hà Nội.

Thực ra nếu muốn yêu Hà Nội thì người ta phải cảm nhận từ những thứ nhỏ bé. Tôi biết rất nhiều người bạn ở xa về nói với tôi: Hà Nội có cái gì đâu mà anh ca ngợi thế, phố xá thì bụi mù, chen chúc, xe kẹt… nhưng họ đâu hiểu một điều rằng sau những cái đó còn bao nhiêu điều thiêng liêng khác nữa.

Nếu không hiểu Hà Nội từ bên trong, thì không thể yêu Thành phố này được. Hà Nội không đi so đọ với thế giới về nhà cao, cửa rộng, đường xá to đẹp nhưng nó lại âm thầm ẩn giấu bên trong biết bao điều, mà cái đáng yêu nhất, lớn lao nhất là tình người.

Có lẽ tôi là người thiên vị với quê hương mình. Khi nằm trong căn phòng của mẹ nhìn qua cửa sổ, tôi nhìn thấy hình như lá cây của Hà Nội cũng xanh hơn của Sài Gòn. Thực ra mình biết đấy là điều vô lý nhưng chỉ vì mình quá nhớ Hà Nội đấy thôi.  

Ngày xưa nhà tôi ở Khâm Thiên, ngay vị trí đài tưởng niệm bây giờ. Tôi rất thích nhìn ngắm mẹ mình khâu vá. Sau này khi khu vực đó trở thành đài tưởng niệm, nhà tôi chuyển về khu nhà tập thể ở Trung Tự, tôi chỉ thích về nằm trên chiếc giường của mẹ. Từ đó nhìn qua cửa sổ thấy một hàng cây, mình cũng phải tự hỏi mình sao mình lại thiên vị thế nhỉ, tại sao mình lại tự nhìn hàng cây này xanh hơn hàng cây ở Sài Gòn, nhưng có lẽ vì mình yêu Hà Nội quá, giống như ngày xưa các cụ nói: Người mình yêu là người xinh đẹp nhất. Ngày xưa tôi có viết nhạc cho vở ba lê Chí Phèo-Thị Nở nhưng tôi yêu cầu diễn viên đóng Thị Nở phải rất xinh, diễn viên đóng Chí Phèo phải đẹp trai. Lý luận của tôi là người nào mình yêu nhất, người đó là đẹp nhất.

Nhạc của tôi có nhiều màu sắc khác nhau nên mỗi người chỉ hát thành công một số bài. Như Ngọc Anh là giọng hát nồng nàn, dữ dội và hát hết mình. Mỹ Hạnh thì đằm thắm, dịu dàng và sâu thẳm. Hồng Nhung tinh tế, nhẹ nhàng… Có thể tôi là người khó tính nên chỉ thấy một số người hát bài hát của mình hay thôi. Vì thế mà có chuyện một số ca sĩ hát bài của tôi thì người khác không thể hát hay hơn được...

Từ năm 1990 đến nay, cứ mỗi độ thu về, Phú Quang là nhạc sĩ duy nhất có chương trình âm nhạc của riêng mình về Hà Nội. Ông đã được tặng nhiều giải thưởng về âm nhạc trong đó có giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho chùm ca khúc viết về Hà Nội.

Phương Liên (ghi)