• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Nhạc Việt: Dấu ấn dân tộc trong dòng chảy đương đại

(Chinhphu.vn) - Nếu như vài năm trước, làng nhạc Việt ghi nhận sự lên ngôi của dòng nhạc điện tử (EDM) giúp các nghệ sĩ Việt được “tắm mình” trong dòng chảy mới mang xu hướng quốc tế, thì hơn một năm nay công chúng đã thấy được sự dung hòa giữa yếu tố truyền thống - hiện đại trong âm nhạc và những bản nhạc chục năm trước được tái sinh bằng phong cách mới, mang hơi thở thời đại.

13/08/2017 16:44

Ca sĩ Bích Phương đóng vai cô gái người dân tộc Dao trong MV Có thương nhau thì đứng làm trái tim em đau (Ảnh cắt từ clip).

Ruột truyền thống, vỏ hiện đại

Tròn một năm những ca khúc Bống bống bang bang, Gửi anh xa nhớ, Ông bà anh, Bánh trôi nước, Kiều… trở thành hiện tượng của thị trường âm nhạc Việt. Điểm chung của những “siêu hit” (nhưng ca khúc nổi tiếng, đang thịnh hành) này là “ruột truyền thống, vỏ hiện đại”.

Mới đây ca sĩ Bích Phương tung ra video ca nhạc (MV) Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau tái hiện một lễ cưới của người Dao với điệu múa hoang dã cùng những cảnh quay thiên nhiên ở thác Bản Giốc. Điều đáng nói, sản phẩm này không là hoạt động đơn lẻ có tính nhất thời mà ca sĩ này đã triển khai thành dự án âm nhạc tìm về những giá trị bản sắc truyền thống của dân tộc pha trộn với phần hòa âm phối khí hiện đại.

Mạnh dạn thực hiện bước đi này là nhờ sự thành công vang dội của ca khúc Gửi anh xa nhớ cũng của Bích Phương vào năm 2016. Bích Phương cùng MV Gửi anh xa nhớ như “cá lội ngược dòng” mang đến một màu sắc âm nhạc hoài niệm khá mới với thị trường lúc bấy giờ đang thịnh hành EDM. Nội dung bài hát là lời tự sự cô gái gửi đến người yêu đang đi lính xa nhà.

Ca khúc có sự pha trộn chất pop đương đại với âm hưởng dân ca cổ truyền đã thuyết phục người nghe ở cả hai thế hệ. MV này được quay ở Hội An có màu sắc nhẹ nhàng, mang hơi hướng hoài niệm (retro), sử dụng ngôn ngữ điện ảnh đã ghi điểm và trụ vững một thời gian dài trên các bảng xếp hạng âm nhạc uy tín.

Cùng thời điểm, vượt lên khỏi mác nhạc phim - phim Tấm Cám chuyện chưa kể, ca khúc Bống bống bang bang là sự kết hợp dòng nhạc điện tử hiện đại (EDM) có tiết tấu vui nhộn bắt tai, với hoạt cảnh và trang phục được lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích dân gian đã trở thành “siêu hit” được khán giả nhí yêu thích. Ca khúc này còn được thể hiện ở phiên bản tiếng Nhật bởi nhóm P336 và mang sang Nhật trình diễn. Đồng thời đạt hơn 230 triệu lượt xem trên kênh Youtube, xấp xỉ 46 triệu lượt nghe trên trang Zing MP3 tính đến hiện tại.

Đầu năm 2017, tại chương trình Bài hát hay nhất - Sing my song, Lê Thiện Hiếu với ca khúc Ông bà anh, được nhạc sĩ Hoài Sa phối khí đậm chất reggae (một thể loại âm nhạc có nguồn gốc từ Jamaica vào cuối năm 1960) cùng câu chuyện tình yêu từ thời “chưa có facebook, zalo” tiếp tục trở thành hiện tượng của nhạc Việt. Cũng tại chương trình này, Bùi Công Nam với ca khúc Chí Phèo được cảm tác từ tình yêu cặp đôi Chí Phèo - Thị Nở trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao đã khởi phát đi một thông điệp dễ thương và đậm chất nhân văn.

Phải nhắc đến Cao Bá Hưng với loạt những bài hát đậm chất văn học, dân tộc mà nổi bật hơn hết là bài Kiều. Thân phận nàng Kiều của thi hào Nguyễn Du được Cao Bá Hưng “vẽ” nên bởi những thang âm ngũ cung cùng sự kết hợp của các nhạc cụ truyền thống như đàn nguyệt, trống paranưng, sáo… đã mang Kiều đến gần hơn với khán giả trẻ tuổi.

Nhóm 365 với tạo hình từ các nhân vật cổ tích thu hút khán giả nhí (Ảnh cắt từ clip).

Thay áo mới cho nhạc cũ

Bên cạnh đó, những ca khúc đình đám hàng chục năm trước nay được “thay áo mới” xuất hiện trước công chúng đầy bất ngờ thú vị và tạo sự đa dạng cho thị trường nhạc Việt.

Ca khúc Một thời đã xa “đóng đinh” tên tuổi Phương Thanh ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả về một tình khúc da diết vào những năm 2000 mới đây được ca sĩ trẻ Lynk Lee “cover” (hát lại) với phong cách trẻ trung hiện đại, tinh thần tươi mới hơn nhưng vẫn giữ được cảm xúc.

Hơn chục năm trước, ca khúc Ngày mai em đi qua giọng ca “hoàng tử tình ca” Lê Hiếu đã làm tan chảy hàng triệu trái tim người nghe, nay tiếp tục được tái sinh khi anh quyết định kết hợp song ca cùng ca sĩ trẻ Soobin Hoàng Sơn trên một bản phối hoàn toàn mới, tiết tấu hơn, bắt tai hơn của nhà sản xuất âm nhạc Hoàng Touliver.

Phải nói rằng công thức này không mới bởi cách đây không lâu Hà Anh Tuấn cùng chuỗi chương trình 3S (See, Sing, Share) tìm về những bản tình ca xưa cũ và thổi vào đó hơi thở mới cũng đã làm quen với khán giả Việt. Tuy nhiên, từ “công thức” ấy, mỗi cá tính âm nhạc có một cách thể hiện riêng. Với Hà Anh Tuấn anh đã dựng một không gian âm nhạc acoustic (thể loại nhạc chỉ sử dụng hoặc chủ yếu sử dụng các nhạc cụ mộc hoặc cổ điển) ấm cúng có trống, có guitar, có piano có những người bạn của anh cùng về đó và ôn lại những bản nhạc “vang bóng một thời” như Tình thôi xót xa, Về đây em, Người tình mùa đông…

Làm mới ca khúc cũ bằng hơi thở âm nhạc thời đại đang là một trong những xu hướng hiện nay của không chỉ ca sĩ mà nhiều chương trình trên truyền hình cũng đã thực hiện như Phiên bản hoàn hảo, Hoán đổi bất ngờ… Trong đó, nổi bật nhất cũng là thành công nhất phải kể đến Giai điệu tự hào - chương trình làm mới ca khúc truyền thống cách mạng được sản xuất bởi Đài truyền hình Việt Nam.

Cần bước đi mạnh dạn

Tuy nhiên không phải bước đi nào cũng có được sự đón nhận của khán giả. Nhiều sản phẩm “khoác áo mới cho ca khúc cũ” vẫn chưa thoát khỏi hình bóng hay dấu ấn của tác phẩm gốc: Đình Bảo cover nguyên một album toàn những ca khúc Tô Chấn Phong vang tiếng một thời, Uyên Linh với Người tình mùa đông, Quốc Thiên với Mưa trên biển vắng

Điều đáng nói thành công của việc “khoác áo mới” hay “ruột truyền thống vỏ hiện đại” đến từ những giọng ca còn khá trẻ ở tuổi đời cũng như tuổi nghề: Cao Bá Hưng 19 tuổi, Lê Thiện Hiếu mới 22 tuổi, Bùi Công Nam 24 tuổi, Bích Phương hoạt động âm nhạc được 6 năm... Bên cạnh tuổi trẻ, sự sáng tạo, chính những bước đi mạnh dạn, có phần táo bạo, phá cách của những nhân tố mới đã khiến cho nhạc Việt trở nên mới mẻ, sinh động và màu sắc hơn.

Song là vì những nhân tố mới nên lựa chọn bước đi khác biệt để khẳng định bản thân hay đó còn là sự thể nghiệm xu hướng của dòng chảy nhạc Việt sắp tới, biết đâu?

Tấn Chương