"Cân đối giữa tăng trưởng và bảo tồn hành tinh qua việc biết sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững" - Đó là cảnh báo của LHQ về nguy cơ thiếu năng lượng, các loại nguyên liệu, lương thực, thực phẩm trong tương lai do sự khai thác quá mức của con người.
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường LHQ (UNEF), trong 40 năm nữa, khoảng 9 tỷ người trên trái đất sẽ tiêu thụ 140 tỷ tấn khoáng sản, dầu hỏa, gỗ, hoa màu. Tức là, mỗi năm, mỗi người trên hành tinh sẽ tiêu thụ đến 1,6 tấn tài nguyên thiên nhiên. Báo cáo cũng nhấn mạnh, giới chức chính trị và phần đông dân chúng không nhận thức rõ được sự hữu hạn của tài nguyên thiên nhiên.
Để tránh lâm cảnh thiếu hụt và những căng thẳng xã hội, địa chính trị do tình trạng thiếu tài nguyên gây ra, báo cáo cho rằng, thế giới nên phát triển bền vững. Sự phát triển bền vững này đòi hỏi phải đầu tư qui mô trong lĩnh vực công nghệ, tài chính và xã hội.
Một khó khăn to lớn mà báo cáo đặc biệt chú ý, đó là sự chênh lệch trong tiêu thụ nguyên liệu giữa người dân các nước. Chẳng hạn như, một người ở nước công nghiệp phát triển mỗi năm tiệu thụ trung bình 16 tấn, gấp 4 lần so với người Ấn Độ.
Giữa các nước giàu, sự chênh lệch cũng rất lớn. Ở Mỹ và Auxtralia, mức tiêu thụ trung bình của mỗi người là 40 tấn/năm, trong khi con số này ở Pháp và Đức chỉ có 15 tấn.
Báo cáo vẫn khẳng định, thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ bị cạn kiệt tài nguyên. Theo tính toán, từ đây đến năm 2050, dù cho các nước giàu có giảm được phân nửa mức tiêu thụ tài nguyên trên đầu người (tức xuống còn 8 tấn/người/năm), và dù các nước đang phát triển không vượt qua ngưỡng giới hạn này, thì mức tiêu thụ tài nguyên cũng sẽ lên đến 70 tỷ tấn, tức tăng 40% so với hiện tại. Điều này rất bất lợi, vì nó kéo theo sự gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, gây bất lợi cho quá trình đấu tranh chống hiện tượng nóng lên của khí hậu.
Bên cạnh viễn cảnh tiêu cực nêu trên, báo cáo cũng chỉ ra một số vùng sáng cho phép con người được quyền hy vọng. Đầu tiên phải kể đến là hiện tượng đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng trên thế giới. Cùng với hiện tượng đô thị hóa, việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên sẽ tốt hơn: Một vùng tập trung nhiều dân cư sẽ tiết kiệm được nhiều nguyên liệu xây dựng, tiết kiệm được năng lượng và các phương tiện vận tải.
Một lí do lạc quan nữa mà cáo cáo đưa ra là việc các nước mới nổi sẽ đốt cháy một số giai đoạn trong quá trình phát triển để tiếp cận trực tiếp với công nghệ tiên tiến, những mô hình tiết kiệm nguyên liệu hiện đại.
Giáo sư Mark Swilling thuộc Đại học Stellenbosh (Nam Phi), một đồng tác giả của báo cáo nói trên, nhận đinh: "Chìa khóa của vấn đề chính là con người phải tạo ra được những công nghệ tiết kiệm tài nguyên hơn".
Đức Phương