Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Trận động đất 9 độ Richter gây sóng thần ở vùng Đông Bắc Nhật Bản hồi tháng 3/2011 được coi là thảm họa thiên tai lớn nhất trong năm |
Theo Tập đoàn tái bảo hiểm Munich Re của Đức, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2011, các thảm họa thiên nhiên đã gây thiệt hại về kinh tế khoảng 265 tỷ USD, làm cho năm 2011 trở thành "năm hao tiền tốn của nhất" trong lịch sử nhân loại xét về những thiệt hại liên quan đến thảm họa.
Bên cạnh đó, năm nay cũng chứng kiến một đợt hạn hán kéo dài và nạn đói khủng khiếp ở Đông Phi, nhất là ở Kenya và Somalia. Khoảng 12 triệu người ở đây phải chịu cảnh chết đói và suy dinh dưỡng, đến mức Liên Hợp Quốc đã tuyên bố về nạn đói ở khu vực này.
Trong khi đó, ở Đông Nam Á và châu Đại Dương, các nước như Thái Lan và Australia đã phải hứng chịu những trận lụt hiếm thấy trong năm 2011. Các trận lốc xoáy và lũ lụt đã khiến ngành sản xuất than đá của Australia thiệt hại khoảng 8,3 tỷ USD, trong khi các trận lũ lụt ở Thái Lan đã làm hơn 562 người thiệt mạng và làm tê liệt nền công nghiệp du lịch của nước này.
Cũng trong năm nay, một loại "siêu vi khuẩn" - được cho là do lạm dụng các loại thuốc kháng sinh - đã bắt đầu xuất hiện ở châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Các ca nhiễm khuẩn E.coli đã xảy ra ở châu Âu hồi tháng 5 và tháng 6 vừa qua, cướp đi sinh mạng của hàng chục người và lây nhiễm sang hàng nghìn người khác.
Tạp chí khoa học nổi tiếng của Anh “Nature” (Tự nhiên) đã miêu tả thế giới ngày nay với hình ảnh “một nửa trong biển nước và một nửa trong biển lửa”, ám chỉ các trận lũ lụt và hạn hán.
![]() |
Người dân miền Nam Somalia chuẩn bị lên đường đến trại tị nạn xin cứu trợ (tháng 8/2011) |
Từ lâu, con người đã miệt mài tìm ra các biện pháp để đối phó với các thảm họa. Đứng trước thiên nhiên đầy thất thường và bí ẩn, con người phải dựa vào suy nghĩ và hành động để đối phó.
Rút kinh nghiệm từ cơn bão Katrina thảm khốc xảy ra trong năm 2005, chính quyền các tiểu bang phía Đông của Hoa Kỳ đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp khẩn cấp có hiệu quả khi cơn bão Irene tràn vào năm 2011.
Tại Nhật Bản, một số thành phố đã lên các kế hoạch xây dựng các cơ sở phòng chống thiên tai dọc bờ biển ngay trong năm 2007 và thực hiện các công tác chuẩn bị cần thiết, kể cả việc tiến hành các cuộc diễn tập phòng chống thiên tai quy mô lớn.
Ở khu vực Sừng châu Phi, Kenya - quốc gia bị thiệt hại nặng nề do hạn hán - hiện đã lên kế hoạch huy động 1 tỷ USD để xây dựng 30 hồ chứa nước lớn trong 10 năm tới nhằm làm giảm những tác động của các thiên tai đối với nước này.
Sau mối lo ngại về sức khỏe do "siêu vi khuẩn" gây ra, con người hiện nay đang chống lại việc lạm dụng các loại thuốc kháng sinh. Liên minh châu Âu đã đưa ra một kế hoạch hành động 5 năm nhằm ngăn chặn các loại vi khuẩn kháng thuốc, trong khi rất nhiều quốc gia đang tăng cường nghiên cứu và phát triển các loại thuốc mới.
Những thách thức đến từ thiên nhiên mà nhân loại phải đối mặt có thể sẽ thay đổi mỗi năm, song điều không thay đổi là con người luôn phải tự suy nghĩ và nắm bắt các cơ hội để vượt qua.
Kim Mai