Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Qua theo dõi các phiên chất vấn và trả lời của các thành viên Chính phủ tại kỳ họp này, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho biết, ông nhận thức rõ hơn trên mấy vấn đề cơ bản sau đây:
Một là, thực tiễn đổi mới và phát triển của đất nước càng cho thấy con người, nguồn nhân lực có chất lượng cao có ý nghĩa to lớn và thật sự là đột phá cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước như Đại hội XI của Đảng đã xác định.
Công nghiệp của Việt Nam trong đó có công nghiệp hỗ trợ hay phụ trợ còn phát triển chậm và yếu kém chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa chủ yếu do thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, chưa làm chủ được khoa học và công nghệ và năng suất lao động còn quá thấp.
Đội ngũ cán bộ, công chức tức là nhân lực ngay trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đất nước trong hệ thống chính trị còn nhiều hạn chế cả về trình độ, năng lực và phẩm chất, tinh thần trách nhiệm.
Con số 30% hay 1% cán bộ, công chức không làm được việc cần được làm rõ để sắp xếp lại tổ chức, biên chế để từ đó khắc phục những tiêu cực trong chạy chức quyền, chạy bằng cấp, chạy việc. Cần thiết phải đào tạo nghề với trình độ cao cho người lao động phù hợp và đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Càng cần thiết phải đào tạo bài bản và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức ở tất cả các cấp để nắm vững khoa học lãnh đạo, quản lý, thực hành công vụ và năng lực tổ chức thực tiễn, đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ.
Sự tuyển dụng, đề bạt cán bộ, công chức phải thật sự dân chủ, minh bạch, trung thực, công bằng bảo đảm chính danh gắn liền với lợi ích chính đáng. Làm được như vậy sẽ đẩy lùi được những khuất tất với động cơ vụ lợi, làm cho bộ máy hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh.
Hai là, các vị Bộ trưởng và mọi thành viên Chính phủ trong Nhà nước pháp quyền đòi hỏi phải chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân và trước pháp luật do đó chú trọng thực hiện Cương lĩnh, đường lối của Đảng và tính tối thượng của pháp luật; Không chỉ xử lý những công việc cụ thể mà cần đề cao trách nhiệm quản lý nhà nước, phải có tư duy và tầm nhìn chiến lược lĩnh vực mình phụ trách.
Bộ trưởng Công Thương quan tâm nhiều hơn đến chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xác định những ngành công nghiệp thiết yếu cần thiết cần tập trung phát triển và khả năng hiện thực hóa. Chiến lược lành mạnh hóa hoạt động và quan hệ thương mại trong và ngoài nước.
Chiến lược tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải cần được Bộ trưởng Giao thông vận tải quan tâm. Phát triển đồng bộ nhưng có những lĩnh vực trọng điểm chẳng hạn như vận tải đường sắt.
Chiến lược dạy nghề, nâng cao trình độ của lực lượng lao động Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước cần được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chú trọng.
Tập trung thực hiện chiến lược cán bộ của Đảng, cải cách hành chính một cách đồng bộ, thực hiện luật công chức có hiệu quả luôn luôn thường trực trong tư duy và hành động của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Cuộc sống luôn luôn đặt ra những vấn đề bức thiết, cụ thể cần được xử lý, giải quyết kịp thời đáp ứng lợi ích của đất nước và nhân dân. Cần kịp thời có giải pháp tình thế là cần thiết. Song, không thể không chú trọng những vấn đề chiến lược lâu dài bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Ba là, các đại biểu Quốc hội khi chất vấn các thành viên Chính phủ cần có sự đổi mới cả về nội dung và phương pháp. Không nên nặng về trình bày thực trạng tình hình, phê phán hay phản ánh ý kiến của cử tri mà cần phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp thực hiện, cùng với các Bộ trưởng thống nhất phương hướng giải quyết.
Đại biểu Quốc hội là những người có trí tuệ cao, có năng lực, kinh nghiệm trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, có trách nhiệm và phẩm chất được cử tri thay mặt cho nhân dân cả nước bầu ra.
Các đại biểu Quốc hội hoàn toàn có khả năng làm tốt những yêu cầu đặt ra theo nhiệm vụ được quy định trong Hiến pháp. Có thể diễn đàn Quốc hội là nơi mà đại biểu Quốc hội thể hiện trách nhiệm và trí tuệ tốt nhất để đóng góp vào hoạt động của cơ quan hành pháp, tư pháp.
Kiến nghị của đại biểu Quốc hội cần chú trọng nhiều hơn về giải pháp. Nắm vững quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và Khoản 3, điều 2, Hiến pháp 2013: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Khi trí tuệ, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội được phát huy cao nhất phối hợp với các cơ quan hành pháp và tư pháp sẽ nâng cao vị thế, chất lượng hoạt động của Quốc hội trong “thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”.
Đại biểu Quốc hội và các thành viên Chính phủ cần đi đến thống nhất trong đánh giá tình hình để đề xuất giải pháp thích hợp. Khắc phục một thực tế là thừa thực trạng, thiếu giải pháp.
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng