Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Đây là một định hướng chính trị chiến lược, thể hiện sự lựa chọn mô hình phát triển kinh tế mang bản sắc Việt Nam. Tuy nhiên, trong thực tiễn, nhận thức về vai trò chủ đạo này lại thiếu nhất quán, thiếu rõ ràng, dẫn đến nhiều cách diễn giải và vận dụng mâu thuẫn với nhau.
Chính vì vậy, khi Đảng và Nhà nước – đặc biệt là theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm – đang yêu cầu xây dựng Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế nhà nước, thì việc xác lập lại một nhận thức đúng đắn, sáng tỏ về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trở thành điều kiện tiên quyết.
Trong thực tiễn, nhận thức về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước vẫn còn không ít bất cập, thậm chí thiếu nhất quán. Một trong những biểu hiện dễ thấy nhất là sự đồng nhất vai trò “chủ đạo” với tư tưởng bao trùm thị trường, dẫn đến quan điểm cho rằng kinh tế nhà nước phải hiện diện rộng khắp trong hầu hết các lĩnh vực then chốt – kể cả những lĩnh vực mà khu vực tư nhân hoàn toàn có năng lực đảm đương hiệu quả hơn. Cách hiểu này vô hình dung dẫn tới khuynh hướng can thiệp hành chính vượt mức cần thiết, làm suy giảm tính năng động và sáng tạo của các thành phần kinh tế khác.
Một lệch lạc khác là quan niệm rằng “chủ đạo” đồng nghĩa với việc được ưu tiên tiếp cận nguồn lực – từ vốn ngân sách, đất đai cho đến cơ chế, chính sách. Điều này dễ tạo ra môi trường lệch chuẩn trong phân bổ nguồn lực, hình thành tâm lý ỷ lại hoặc đặc quyền, đặc lợi của một bộ phận doanh nghiệp nhà nước– có thể là nguyên nhân không chỉ làm méo mó thị trường mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng tài sản công.
Vấn đề đặt ra không phải là sự so sánh giữa các khu vực kinh tế, mà là hiệu quả trong tổ chức, vận hành và phân bổ nguồn lực phát triển của các thành phần kinh tế. Nếu vai trò chủ đạo được hiểu đúng là năng lực sử dụng hiệu quả tài sản công để định hướng chiến lược, mở rộng không gian phát triển và dẫn dắt chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thì kinh tế nhà nước sẽ thực sự trở thành lực kéo mạnh mẽ – đặc biệt trong những lĩnh vực nền tảng, khó khăn hoặc cần đầu tư dài hạn.
Như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh: Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải “tôn trọng các quy luật thị trường, khơi thông mọi nguồn lực và tạo ra sân chơi công bằng giữa các thành phần kinh tế”. Đây là yêu cầu chiến lược để giải phóng tiềm năng phát triển, nâng cao năng suất và thu hút đầu tư chất lượng cao.
Muốn hiện thực hóa mục tiêu đó, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước cần được hiểu lại một cách khoa học và đúng đắn – đó là khả năng sử dụng hiệu quả nguồn lực công để dẫn dắt mô hình tăng trưởng mới, khơi mở những không gian thị trường mà tư nhân chưa thể tiếp cận, và kiến tạo một “sân chơi” thực sự minh bạch, bình đẳng, hiệu quả cho tất cả.
Để thực thi đúng và hiệu quả vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, trước hết cần hiểu rõ bản chất của khái niệm này trong điều kiện của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và mô hình nhà nước kiến tạo phát triển.
Một điểm xuất phát có tính nền tảng là: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trước hết vì Nhà nước đang nắm giữ phần lớn tài sản quốc gia – bao gồm vốn, đất đai, tài nguyên, cơ sở hạ tầng, cổ phần tại các doanh nghiệp và các quyền tài sản khác. Đây là khối tài sản thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước được nhân dân ủy quyền quản lý. Tuy nhiên, cần phân biệt rạch ròi: sở hữu tài sản công không đồng nghĩa với kinh tế nhà nước. Chỉ khi tài sản ấy được tổ chức khai thác theo cơ chế thị trường và chấp nhận rủi ro kinh doanh, thì mới thực sự tạo ra khu vực kinh tế nhà nước đúng nghĩa.
Cơ chế đưa tài sản công vào sản xuất kinh doanh – hay còn gọi là “chuyển hóa tài sản công thành hoạt động kinh tế” – đòi hỏi một hệ thống thể chế hiện đại và minh bạch. Việc này có thể diễn ra qua ba hình thức cơ bản:
1. Giao tài sản cho doanh nghiệp nhà nước khai thác trực tiếp, với điều kiện phải tuân thủ các chuẩn mực thị trường, công bố thông tin, chịu kiểm toán và quản trị như một tổ chức kinh tế cạnh tranh bình đẳng.
2. Ủy thác tài sản cho các quỹ đầu tư công (public wealth funds) – tương tự mô hình Temasek (Singapore)– để đầu tư, kinh doanh sinh lợi từ tài sản quốc gia thông qua thị trường vốn, thị trường tài chính hoặc các lĩnh vực có tỷ suất sinh lời hợp lý.
3. Cho thuê, nhượng quyền, hợp tác công tư (PPP) hoặc các hình thức khai thác theo hợp đồng, đảm bảo dòng thu bền vững về cho ngân sách, mà không cần trực tiếp vận hành doanh nghiệp.
Như vậy, chỉ phần tài sản công được đưa vào khai thác với mục tiêu tạo lợi nhuận, theo nguyên tắc thị trường và chấp nhận rủi ro, thì mới cấu thành khu vực kinh tế nhà nước. Ngược lại, phần tài sản sử dụng cho mục đích phúc lợi công như đường xá, trường học, bệnh viện, an ninh quốc phòng… thuộc khu vực dịch vụ công, không nên đồng nhất với kinh tế nhà nước.
Trên nền tảng đó, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước cần được nhìn nhận theo ba phương diện hiện đại:
Thứ nhất, chủ đạo về chiến lược và an ninh kinh tế. Kinh tế nhà nước nắm giữ các lĩnh vực trụ cột như năng lượng, tài chính – ngân hàng, hạ tầng thiết yếu, công nghiệp quốc phòng, dữ liệu quốc gia… Những lĩnh vực này không chỉ quan trọng về mặt kinh tế, mà còn gắn với chủ quyền và năng lực phòng vệ quốc gia. Khi thị trường gặp biến động hoặc khủng hoảng, đây chính là lực lượng “giữ nhịp” – bảo đảm an toàn hệ thống và năng lực phục hồi quốc gia.
Thứ hai, chủ đạo trong vai trò dẫn dắt và kiến tạo phát triển. Kinh tế nhà nước cần tiên phong trong các lĩnh vực có tính nền tảng hoặc rủi ro cao mà khu vực tư nhân chưa sẵn sàng tham gia – như công nghệ lõi, năng lượng tái tạo, hạ tầng số, chuyển đổi xanh, trí tuệ nhân tạo… Khi thị trường đủ trưởng thành, vai trò này sẽ chuyển hóa thành hợp tác và lan tỏa – tạo cú hích để tư nhân bứt phá.
Thứ ba, chủ đạo trong xây dựng môi trường thị trường lành mạnh và cạnh tranh công bằng. Là lực lượng kinh tế của toàn dân, kinh tế nhà nước cần gương mẫu về quản trị minh bạch, tuân thủ luật chơi thị trường và đi đầu trong chuyển đổi quản trị số, ESG (Bộ tiêu chuẩn phát triển bền vững: Môi trường – Xã hội – Quản trị), văn hóa doanh nghiệp. Vai trò chủ đạo nằm ở khả năng thiết lập niềm tin thị trường và tiêu chuẩn hóa đạo đức kinh doanh. Kinh tế nhà nước phải đi đầu, sử dụng nguồn lực tài sản quốc gia như một động lực đổi mới, mở đường cho tương lai
Sau khi xác lập ba phương diện cốt lõi của vai trò chủ đạo – chiến lược, dẫn dắt và kiến tạo môi trường – điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa vai trò ấy chính là một nhận thức mới, sắc sảo và hiện đại, nhằm chuyển hóa tinh thần đó vào thiết kế thể chế, cơ chế quản trị và tổ chức thực thi hiệu quả. Đây là bước đột phá để vai trò chủ đạo không chỉ tồn tại trên văn kiện, mà thực sự vận hành sống động trong thực tiễn phát triển đất nước.
Thứ nhất, cần chuyển từ tư duy “quản lý doanh nghiệp” sang “quản trị tài sản quốc gia”. Nhà nước cần xây dựng “bảng cân đối tài sản quốc gia”, số hóa toàn bộ tài sản công, định giá, phân loại và thiết kế chiến lược khai thác hiệu quả.
Thứ hai, vai trò chủ đạo phải được tách bạch rõ với chức năng quản lý nhà nước. Tách bạch quyền sở hữu – quyền quản lý – quyền giám sát là giải pháp căn bản để giảm thiểu xung đột lợi ích và tăng hiệu quả vận hành.
Thứ ba, cần xác lập giới hạn hợp lý giữa khu vực nhà nước và tư nhân. Kinh tế nhà nước cần tập trung vào những lĩnh vực thị trường thất bại, có độ rủi ro cao hoặc cần đầu tư dài hạn, để dẫn dắt, mở đường và lan tỏa phát triển. Phân định đúng giới hạn sẽ tạo ra một trật tự kinh tế hài hòa, nơi các khu vực kinh tế cùng phát triển thay vì triệt tiêu lẫn nhau.
Thứ tư, phải gắn vai trò chủ đạo với sứ mệnh đổi mới mô hình tăng trưởng. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo, “Không thể để đất nước tụt hậu. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng phải dựa trên đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo.” Đây không chỉ là khẩu hiệu, mà là định hướng chiến lược có tính thời đại. Theo đó, kinh tế nhà nước cần đi đầu trong đầu tư vào các công nghệ mới, công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, hạ tầng số, AI, bán dẫn và đổi mới thể chế – những lĩnh vực mà tư nhân còn dè dặt hoặc chưa đủ lực.
Thứ năm, cần đo lường vai trò chủ đạo không chỉ bằng quy mô tài sản hay tỷ trọng GDP, mà bằng chất lượng can thiệp và hiệu quả xã hội.
Chủ đạo không phải là nắm giữ nhiều, mà là dẫn dắt tốt, tạo ra ổn định vĩ mô, cân bằng phát triển và định hình các xu thế mới. Đây là cách duy nhất để kinh tế nhà nước trở thành “trụ cột” đúng nghĩa trong hệ thống kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – nơi hiệu quả đi cùng công bằng, và tăng trưởng đi cùng bền vững.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo xây dựng Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế nhà nước – như một nhiệm vụ trung tâm trong cải cách thể chế quốc dân hiện nay.
Nếu được tái định vị một cách đúng đắn và hiện đại – như một năng lực chiến lược để bảo vệ chủ quyền kinh tế, dẫn dắt mô hình tăng trưởng mới và kiến tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh – thì vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước sẽ trở thành lực đẩy trọng yếu giúp đất nước tự tin bước vững vàng vào kỷ nguyên công nghiệp hóa 4.0, chuyển đổi số và phát triển xanh.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng