Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết, ngày 25/6/2015, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được thông qua đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo dựa trên tiếp cận hệ sinh thái. Để quy định chi tiết Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, trong Luật, Quốc hội đã giao Chính phủ quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật.
Thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao, đồng thời nhanh chóng đưa Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đi vào thực tiễn ngay sau khi có hiệu lực thi hành, việc xây dựng và ban hành “Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo” là cần thiết.
Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã dự thảo Nghị định gồm 10 chương, 79 điều. Bên cạnh những quy định chung, Bộ đã đề xuất những quy định cụ thể về lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; phạm vi vùng bờ, lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh tài nguyên vùng bờ; lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ; chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; hàng lang bảo vệ bờ biển, hạn chế các hoạt động trong hành lang bảo vệ bờ biển…
Phân loại hải đảo
Theo dự thảo, hải đảo được chia thành 2 nhóm: 1- Quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải bảo vệ, bảo tồn; 2- Quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm được khai thác, sử dụng tài nguyên.
Dự thảo nêu rõ, quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải bảo vệ, bảo tồn bao gồm quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm có toàn bộ diện tích chứa hệ sinh thái tự nhiên đáp ứng các tiêu chí phân cấp khu bảo tồn theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học; có công trình được xếp hạng, công nhận là di sản thiên nhiên quốc gia, thế giới; di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; có điểm dùng để xác định đường cơ sở; được sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh.
Theo dự thảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển căn cứ quy định lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phân loại hải đảo.
Dự thảo phân loại hải đảo phải được lấy ý kiến của các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Quốc phòng, Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phân loại hải đảo gồm: Tờ trình phê duyệt phân loại hải đảo; dự thảo Quyết định phê duyệt phân loại hải đảo; dự thảo phân loại hải đảo kèm báo cáo thuyết minh dự thảo phân loại hải đảo; văn bản góp ý của cơ quan trên kèm theo bảng tổng hợp giải trình, tiếp thu các ý kiến.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn