Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 15/3/2022, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa hoàn toàn du lịch, đồng thời là một trong 62 quốc gia trên thế giới dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế nhập cảnh liên quan đến COVID-19. Trong 9 tháng qua, các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp du lịch đã tích cực phối hợp, đồng bộ triển khai các hoạt động phục hồi, phát triển du lịch.
Cơ chế chính sách đã tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, tổ chức hôm nay (21/12) dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, các cơ chế chính sách đã tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế. Cụ thể, chúng ta đã khôi phục chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh như trước khi có dịch; không yêu cầu có chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, dừng việc khai báo y tế với COVID-19 đối với người nhập cảnh từ ngày 27/4/2022.
Đặc biệt, từ ngày 15/5/2022 du khách tới Việt Nam không phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 trước khi nhập cảnh.
Bộ VHTT&DL, VPCP hiện nay đang lấy ý kiến của Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng cho phép bỏ quy định bảo hiểm bắt buộc phòng chống COVID-19 đối với du khách quốc tế khi nhập cảnh.
Về truyền thông, xúc tiến quảng bá, tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, ngành du lịch đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội du lịch tổ chức nhiều sự kiện nhằm phát động, công bố mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới và truyền thông thông điệp "Sống trọn vẹn tại Việt Nam" trong giai đoạn mở cửa thị trường.
Bên cạnh đó, lồng ghép triển khai các hoạt động, xúc tiến quảng bá du lịch gắn với các sự kiện quan trọng, quy mô khu vực và quốc tế như SEA Games 31; Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2022; Liên hoan Âm nhạc quốc tế ASEAN 2022; Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội năm 2022…
Tổ chức Tuần văn hoá và Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc; Nhật Bản; Ấn Độ… Tổ chức 03 Hội chợ du lịch quốc tế tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch được thúc đẩy, tiêu biểu là giữa TP. Hồ Chí Minh với đồng bằng sông Cửu Long, với các tỉnh Bắc Trung Bộ; TP. Hồ Chí Minh - Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Hà Nội với 6 tỉnh Việt Bắc…
Tổ chức chương trình truyền thông du lịch Việt Nam trên nền tảng số YouTube "Việt Nam: Đi để yêu!" với 02 ngôn ngữ tiếng Việt - tiếng Anh.
Nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được các địa phương tổ chức như: Du lịch Hà Nội chào 2022; Tuần lễ Du lịch TP. Hồ Chí Minh; Quảng Ninh tổ chức Đại hội đồng Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á lần thứ 17; TP. Đà Nẵng tổ chức Hội chợ du lịch trực tuyến; Quảng Nam tổ chức Lễ khai mạc Festival Cù lao Chàm…
Thị trường du lịch năm 2022 đã dần khôi phục trở lại, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, tăng 2,75 lần so với cùng kỳ. Khách du lịch nội địa ước đạt 101 triệu lượt, vượt chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm. Tuy nhiên lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.
Về chỉ số phục hồi du lịch năm 2022 so với năm 2019, Việt Nam đạt 18,1%, đứng thứ 7 trong ASEAN sau Singapore (31%); Malaysia (27,5%); Campuchia (26,3%); Indonesia (22,9%); Philippines (22,1%); Thái Lan (22%).
Nỗ lực khắc phục khó khăn, thách thức
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng chia sẻ về những khó khăn, thách thức đối với ngành du lịch trong thời gian vừa qua. Trong đó, hầu hết các thị trường khu vực Đông Bắc Á (chiếm gần 70% khách quốc tế đến Việt Nam) tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch, như Trung Quốc hiện vẫn chưa mở cửa du lịch quốc tế. Xung đột quân sự Nga-Ukraine tác động đến việc nối lại đường bay Việt Nam - Nga, ảnh hưởng đến thị trường nguồn khách Nga đến Việt Nam…
Bên cạnh đó là sự cạnh tranh ngày càng lớn của các quốc gia trong khu vực. Nhiều nước trong khu vực tạo điều kiện dễ dàng và hấp dẫn để khách quốc tế nhập cảnh bằng việc miễn thị thực cho khách quốc tế: Malaysia, Singapore miễn thị thực cho 162 quốc gia; Philippines miễn thị thực cho 157 quốc gia; Thái Lan miễn thị thực cho 65 quốc gia trong khi Việt Nam mới đang miễn thị thực cho 24 quốc gia.
Thời gian miễn thị thực của nhiều nước ASEAN kéo dài từ 30 ngày đế 45 ngày, thậm chí là 90 ngày. Đơn cử, Thái Lan triển khai chương trình mở cửa với Thị thực Du lịch Đặc biệt Thái Lan (STV) dành cho khách lưu trú dài ngày, thời gian lưu trú lên đến 90 ngày…
Bên cạnh đó, còn một số điểm "yếu", điểm "nghẽn" của ngành du lịch, như việc chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch còn chậm; cơ cấu thị trường khách chưa thực sự phù hợp; hệ thống sản phẩm du lịch và dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; việc liên kết phát triển du lịch mới ở bước đầu, nhiều nội dung chưa được triển khai đồng bộ, thường xuyên nên chưa tạo ra được sức mạnh tổng hợp… Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch cục bộ sau 02 năm đóng băng do dịch bệnh.
Về chính sách visa, chưa có chính sách đặc thù cho bối cảnh mới với yêu cầu cấp thiết của việc thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch hậu COVID-19. Thời hạn miễn thị thực 15 ngày rất ngắn so với các quốc gia trong ASEAN, chưa phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của khách du lịch quốc tế, đặc biệt là các thị trường xa như châu Âu, thường đi du lịch 3-4 tuần.
Việc thành lập văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia ở nước ngoài để chủ động nghiên cứu, định hướng thị trường, hỗ trợ kết nối, trực tiếp xúc tiến quảng bá du lịch quốc tế còn hạn chế so với các quốc gia trong ASEAN.
Cần chính sách thông thoáng hơn để thu hút khách quốc tế
Để thúc đẩy du lịch quốc tế đến Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất, cần áp dụng cấp thị thực điện tử cho tất cả các thị trường khách và tiếp tục đơn giản hóa về thủ tục cấp, tăng cường ứng dụng công nghệ.
Kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch vào Việt Nam. Xem xét thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu cho khách du lịch quốc tế.
Tăng cường vai trò cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài phối hợp hỗ trợ giới thiệu, tổ chức các hoạt động xúc tiến trực tiếp và kết nối lại doanh nghiệp; cập nhật các chính sách của các nước cạnh tranh trong khu vực, để có sự điều chỉnh hợp lý trong hoạt động xúc tiến quảng bá, truyền thông du lịch.
Mở rộng việc thiết lập các đường bay trực tiếp kết nối Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ là thị trường nguồn khách du lịch của Việt Nam. Nâng cấp các đầu mối kết nối hàng không, với đường bộ, đường biển; cải thiện dịch vụ vận tải nói chung.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch, đặc biệt là trong xúc tiến quảng bá du lịch thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, đáp ứng xu hướng mới của khách du lịch hậu COVID-19
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đề nghị tập trung làm mới các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa (ẩm thực và di sản); du lịch sinh thái (bao gồm du lịch cộng đồng) và du lịch đô thị (bao gồm du lịch MICE); du lịch nghỉ dưỡng; du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe… Củng cố cơ sở vật chất phục vụ các yêu cầu chuyên biệt của một số nhóm khách đang là thị trường tiềm năng như khách đạo Hồi, đạo Hindu, khách ăn chay…
Tập trung liên kết phát triển sản phẩm, thị trường, xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch vùng; kết nối tour, tuyến, điểm du lịch trong vùng và liên vùng; thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nhân lực du lịch vùng.
Tăng cường hợp tác công tư, phát huy tối đa nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ liên kết, phát triển du lịch; hình thành mô hình liên kết giữa các địa phương, có tham gia của cơ quan quản lý nhà nước và một số doanh nghiệp lớn.
Xây dựng mô hình liên kết điểm trong đó có thể tạo liên kết giữa nhóm địa phương có nhu cầu, thuận lợi liên kết; mời các cơ quan quản lý nhà nước tham gia điều phối, đồng hành, tạo kết nối để triển khai các chương trình liên kết; có sự tham gia của doanh nghiệp lớn, tạo nguồn lực triển khai các chương trình, hoạt động liên kết cụ thể.
Kéo dài chính sách giảm giá điện cho doanh nghiệp du lịch. Cho phép kéo dài chính sách giảm giá điện áp dụng cho cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất đến hết năm 2022. Từ năm 2023 trở đi, điều chỉnh giá điện áp dụng cho cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng giá điện sản xuất theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ-TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Chú trọng phát triển nhân lực du lịch
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị, cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực du lịch đã thôi việc, chuyển việc quay trở lại; tập trung đào tạo tại chỗ, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ (tiếng Anh) của đội ngũ nhân lực ngành, sẵn sàng phục vụ khách du lịch.
Xây dựng kế hoạch đào tạo bổ sung mới đảm bảo đủ nguồn nhân lực thiếu hụt do việc chuyển việc, thôi việc thời gian vừa qua; chú trọng ưu tiên tuyển dụng, đào tạo nhân sự là người dân địa phương.
Tăng cường liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường đào tạo trong đào tạo nhân lực du lịch, chú trọng đào tạo và nâng cao kỹ năng nghề du lịch cũng như hiểu biết về công nghệ, chuyển đổi số cho người lao động. Thúc đẩy hợp tác đào tạo nhân lực du lịch giữa các địa phương trong cùng khu vực, giữa doanh nghiệp du lịch và các cơ sở đào tạo, hợp tác với các tổ chức quốc tế.
Lãnh đạo Bộ VHTT&DL mong nhận được ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, sáng kiến và kiến nghị, đề xuất của các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị nhằm nhanh chóng khôi phục lại thị trường khách quốc tế một cách an toàn.
Diệp Anh