Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Con số thặng dư năm 2022 được đưa ra là 34,26 tỷ USD (45 nghìn tỷ won), cao gấp 3 lần năm 2012 (10,22 tỷ USD), thời điểm trước khi hai nước ký hiệp định thương mại tự do 3 năm.
Điều đáng lưu ý nhất là thặng dư thương mại của Hàn Quốc với Việt Nam còn cao hơn cả thặng dư thương mại với Hoa Kỳ, ở mức 25,4 tỷ USD.
Tổng khối lượng thương mại giữa Hàn Quốc và Việt Nam tăng từ mức 500 triệu USD năm 1992, khi hai nước mới thiết lập quan hệ ngoại giao, lên 80,7 tỷ USD năm 2021, gấp 161 lần.
Khối lượng xuất khẩu và nhập khẩu toàn cầu của Hàn Quốc tăng tương ứng 8,4 lần và 7,5 lần, nhưng các con số này với Việt Nam là 142 lần và 240 lần.
"Việt Nam đã xác lập vị thế là đối tác thương mại quan trọng của Hàn Quốc", The Korea Times dẫn lại nhận định của FKI.
The Korea Times cũng đề cao vai trò ngày càng lớn của Việt Nam là trung tâm sản xuất toàn cầu và đang nổi lên trong vai trò nước sản xuất các sản phẩm giá trị cao, như diode phát sáng hữu cơ (OLEDs) và sản phẩm bán dẫn, thay vì chỉ dựa vào những mặt hàng và dịch vụ sử dụng nhiều lao động.
Những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hàn Quốc là thiết bị liên lạc không dây, quần áo và máy vi tính. Ở chiều ngược lại, Hàn Quốc xuất sang Việt Nam thiết bị bán dẫn, thiết bị cảm biến, sản phẩm dầu khí và nhựa tổng hợp.
Hiện Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng giá trị đầu tư 78,5 tỷ USD năm 2021.
Samsung Electronics là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với khoản đầu tư bổ sung 2 tỷ USD năm ngoái, nâng tổng mức đầu tư của Tập đoàn này tại Việt Nam lên 20 tỷ USD.
Cũng trong ngày 22/5, tại Trung tâm Báo chí Hàn Quốc ở trung tâm thủ đô Seoul, The Korea Times tổ chức phiên thảo luận chuyên đề nêu bật những cơ hội tiềm năng tại Việt Nam, “đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc trong bối cảnh gia tăng những bất ổn toàn cầu”.
Đưa tin về phiên thảo luận này, phóng viên của The Korean Times cho biết, sự kiện "cho thấy mối quan tâm rất lớn đến Việt Nam của phía Hàn Quốc", với sự tham gia của gần 100 đại biểu, trong đó có nhiều nhà quản trị từ các công ty hàng đầu Hàn Quốc, các học giả châu Á học cùng các sinh viên Việt Nam học của hai nước, "những người được mong đợi sẽ là cầu nối giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong tương lai gần".
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Oh Young-jin, Chủ tịch kiêm chủ bút The Korea Times, giới thiệu sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục của Việt Nam cùng tiềm năng tăng cường các quan hệ với Hàn Quốc.
Theo ông Oh Young-jin, nhiều chuyên gia coi Việt Nam như một quốc gia với mô hình tăng trưởng bền vững nhất, có thị trường "không kém phần quan trọng so với Trung Quốc".
Tại sự kiện, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng đã có bài phát biểu nhấn mạnh hợp tác kinh tế là nền tảng cho các mối quan hệ Việt-Hàn, đem lại lợi ích to lớn cho cả hai bên và có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam khẳng định: Hợp tác kinh tế là khía cạnh quan trọng nhất của quan hệ Việt-Hàn và đã mở rộng nhanh chóng thời gian qua, đem lại những lợi ích thiết thực và thấy rõ cho cả hai bên. Đây sẽ tiếp tục là nền tảng cho mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai quốc gia.
Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng nhấn mạnh thương mại và đầu tư từ Hàn Quốc có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển kinh tế của Việt Nam. "Mở rộng hợp tác kinh tế với Hàn Quốc mở đường cho Việt Nam làm sâu sắc hơn quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng và qua đó, đưa đất nước từ một quốc gia chậm phát triển thành nước có thu nhập trung bình thấp ngày nay."
Ông khẳng định Việt Nam có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, như thị trường 100 triệu dân đang phát triển nhanh chóng, lực lượng lao động trẻ và chăm chỉ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng với nhu cầu mua sắm lớn. Việt Nam nằm tại một trong những khu vực năng động về kinh tế nhất thế giới và đang tham gia vào 15 thỏa thuận tự do thương mại song phương.
Trong phiên hỏi đáp do nguyên Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Lee Hyuk, người từng giữ vai trò tổng thư ký Trung tâm ASEAN-Hàn Quốc, điều phối, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm đến nông nghiệp thông minh và tác động đến Việt Nam, nơi có xấp xỉ 70% dân số làm nông nghiệp.
Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng nhìn nhận, nông nghiệp thông minh sẽ đem lại cơ hội mới cho sự hợp tác giữa hai nước bởi những công nghệ và kỹ thuật nông nghiệp thông minh có thể thúc đẩy khu vực nông nghiệp ở Việt Nam và những sản phẩm từ sự hợp tác này có tiềm năng xuất khẩu trở lại Hàn Quốc, qua đó thúc đẩy sản lượng thương mại giữa hai nước.
"Hơn nữa, Việt Nam và Hàn Quốc có thể cùng hợp tác cải tiến nông nghiệp thông minh và tăng xuất khẩu lương thực cho các quốc gia khác, mở ra những khía cạnh lớn hơn cho quan hệ đối tác của chúng ta," Đại sứ Việt Nam phân tích.
Nguồn: The Korea Times