Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Cao Bằng Nguyễn Thị Phương cho biết sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11, trên cơ sở chỉ đạo, kế hoạch của NHCSXH Việt Nam, Chi nhánh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 11.
Cùng với đó, Chi nhánh tham mưu Trưởng Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh phê duyệt nhu cầu tín dụng chính sách giai đoạn 2022 - 2023 và chỉ đạo các phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thành phố triển khai Nghị quyết số 11 đồng bộ, kịp thời.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh phối hợp với Sở LĐTB&XH, các tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị liên quan rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách xã hội khác trên địa bàn.
Chỉ đạo phòng giao dịch các huyện, Thành phố phối hợp với các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác ở cơ sở tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, mục tiêu và các quy định của chương trình để người dân nắm bắt, đăng ký. Các khu dân cư tổ chức bình xét đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Trong đợt này, người lao động từ khu công nghiệp các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng dịch COVID quay trở về địa phương đang tìm kế mưu sinh, có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống… được xem xét ưu tiên vay vốn.
Qua rà soát, tổng nhu cầu vốn cho vay khoảng 350 tỷ đồng thuộc các chương trình: Tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến; cho vay nhà ở xã hội; cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch…
Trong đó, năm 2022 là 150 tỷ đồng, năm 2023 là 200 tỷ đồng.
Sau khi được giao vốn, Chi nhánh NHCSXH tỉnh phân bổ cho từng phòng giao dịch, huy động toàn bộ lực lượng đến các xã để giải ngân, tạo điều điện cho người dân tiếp cận vốn vay, nhanh chóng giải quyết nhu cầu vốn của hộ nghèo.
Ông Trương Văn Tiên (xóm Minh Loan, xã Bình Long, huyện Hòa An) thuộc diện hộ nghèo, trong 2 năm (2020 - 2021), do bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nên ông không có việc làm thường xuyên, thu nhập rất bấp bênh. Vì có con đang học Trường THPT Hòa An nên ông muốn mua máy tính cho con học nhưng không có tiền. Khi nghe tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thông báo có chương trình cho vay học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn mua máy tính theo Nghị quyết số 11, ông đã đăng ký và được vay 10 triệu đồngđể mua máy tính cho con học tập.
Bà Nông Thị Láy (xóm Đông Giang 2, xã Nam Tuấn, huyện Hòa An) cho biết gia đình có 5 ha rừng keo đang thời kỳ sinh trưởng, rất cần vốn để mua phân bón. Khi được phổ biến chương trình vay theo Nghị quyết số 11, bà đăng ký và đã được vay 10 triệu đồng từ chương trình vay vốn hỗ trợ tạo việc làm theo Nghị quyết số 11. Số tiền này giúp gia đình bà có điều kiện chăm sóc tốt 5 ha keo của mình.
Trong đợt 1, Chi nhánh NHCSXH tỉnh được phân bổ 91,8 tỷ cho các chương trình theo Nghị quyết số 11. Đến ngày 17/5/2022, Chi nhánh NHCSXH tỉnh giải ngân hơn 28,6 tỷ đồng, trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm 27,4 tỷ đồng/427 khách hàng; cho vay học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập 860 triệu đồng/86 khách hàng; cho vay mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP số tiền 250 triệu đồng/khách hàng; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng dịch COVID-19 số tiền 160 triệu đồng.
Cùng với đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn vay theo Nghị quyết số 11, Chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các chương trình cho vay ưu đãi khác. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay đạt 3.091 tỷ đồng, bằng 97% kế hoạch.
Để tất cả các đối tượng được vay vốn ưu đãi theo Nghị quyết số 11, thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương rà soát đối tượng đủ điều kiện và tổ chức cho vay kịp thời, đúng quy định.