Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thông tin từ ngành Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết, hầu hết các cơ sở y tế trên địa bàn đều bị thiệt hại gãy đổ cây xanh, vỡ kính một số toà nhà, hành lang, vỡ, hỏng cửa, trần một số phòng, khoa, hỏng hệ thống nội thất trong các phòng như điều hòa, tủ lạnh, ti vi, giường, bàn ghế, gián đoạn cung cấp suất ăn cho người bệnh...
Riêng Bệnh viện Đa khoa Hạ Long bị sập nhà chờ ở cổng vào diện tích 100m2, bịt đường vào. Lực lượng xung kích phường Hoành Bồ đã cho máy xúc vào hỗ trợ khai thông đường đi, vỡ nhiều cửa kính; đổ 6 cây xanh; không thiệt hại về người.
Bệnh viện Phổi cũng thiệt hại nặng nề như bay tấm tôn chắn cổng , 80% cây xanh gãy đổ. Nhiều xe ô tô bị các tấm tôn, cây, vật thể khác bay rơi đè vỡ; lật, tốc, bay mái tôn nóc khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, khoa dinh dưỡng, nhà đại thể…
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các đơn vị vẫn đang nỗ lực tích cực khắc phục các sự cố, để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và công tác cấp cứu khám chữa bệnh cho người dân.
Hiện còn 3 đơn vị của ngành Y tế Quảng Ninh là: Trung tâm y tế (TTYT) Ba chẽ, TTYT Bình Liêu, Trung tâm Kiểm nghiệm chưa liên lạc được để thống kê thiệt hại. Điện lưới và nước sạch tại một số điểm ở Quảng Ninh vẫn chưa có trở lại.
Dự kiến, nếu tiếp tục mất điện lưới trong 2 ngày tới, các cơ sở y tế sẽ gặp khó khăn trong cung cấp điện và nước cho sinh hoạt người bệnh và sinh hoạt của các đơn vị. Hiện tại, 100% các đơn vị y tế đều chạy máy phát điện chạy 24/24 giờ đảm bảo an toàn.
Cấp cứu 6 ca bệnh ngộ độc khí CO từ máy phát điện
Sau cơn bão số 3, ngày 9/9, Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận cấp cứu 6 trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc khí CO từ máy phát điện. Trong đó, có 2 trường hợp ngộ độc khí CO trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp rất nguy kịch.
Thông tin từ người nhà của các bệnh nhân cho biết, có 3 bệnh nhân bị ngộ độc khí CO trong 1 gia đình (trú tại phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), độ tuổi từ 12 đến 27 tuổi, đều ngủ trong phòng kín qua đêm có máy phát điện.
Trong đó, một bệnh nhân nữ 24 tuổi và một bệnh nhi nam 12 tuổi nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, toan chuyển hóa nặng, tiên lượng nguy kịch.
Một trường hợp bệnh nhân khác, 27 tuổi cũng ngộ độc khí CO nhưng ở mức nhẹ, tiếp xúc tốt, không có biểu hiện suy hô hấp.
Các bệnh nhân đã được chuyển sang Bệnh viện Y học biển Việt Nam (tại Hải Phòng) để tiếp tục điều trị.
3 trường hợp khác là trẻ nhỏ trong gia đình (trú tại phường Hà Khẩu, TP Hạ Long) cũng nhập viện tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy, trong tình trạng choáng váng, đau đầu, khó thở, chóng mặt, được theo dõi điều trị ngộ độc khí CO do máy phát điện. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của các trẻ ổn định.
Theo BS CKI Lê Thị Mai, khoa Thần kinh – Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bãi Cháy, CO là chất khí không màu, không mùi, không gây kích ứng đường hô hấp. Do đó, rất khó nhận biết được sự có mặt của chúng trong không khí.
Khi hít phải, khí CO nhanh chóng ngấm vào máu và làm mất oxy trong máu. Nạn nhân sẽ có triệu chứng đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, đau ngực.
Ngộ độc khí CO làm tế bào não bị tổn thương dẫn đến thoát dịch, phù nề não, bệnh nhân có thể bị mất ý thức, hôn mê sâu, sống thực vật cả đời, thậm chí tử vong nếu không cấp cứu, điều trị kịp thời.
Nhiều trường hợp bệnh nhân ngạt khí CO dù được cứu sống nhưng để lại các di chứng nghiêm trọng như suy giảm trí nhớ, giảm tập trung, liệt cơ mặt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người...
Thời điểm sau cơn bão số 3 hoành hành gây sự cố mất điện trên diện rộng, nhiều gia đình sử dụng máy phát điện để duy trì sinh hoạt, dẫn tới nhiều trường hợp bệnh nhân ngộ độc khí CO.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân sử dụng máy phát điện nên để ở phòng có luồng không khí lưu thông để khí thải thoát ra ngoài, không để trong phòng kín, hoặc máy phát nên để riêng biệt với khu phòng ở.
Khi phát hiện người bị ngạt khí CO với các dấu hiệu như buồn nôn, nhức đầu, yếu người, khó thở, tinh thần lơ mơ…, cần nhanh chóng mở hết tất cả cửa để không khí tràn vào nhà và đưa nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc và chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và điều trị kịp thời.
HM