Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 9/5, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức hội thảo tham vấn dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP.
Làm rõ 5 nhóm vấn đề cốt lõi
Triển khai quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Điều 91, bảo vệ tầng ozone tại Điều 92, tổ chức và phát triển thị trường carbon tại Điều 139, ngày 7/1/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.
Trong thời gian vừa qua, tình hình phát triển thị trường carbon và nhu cầu trao đổi tín chỉ carbon trên thế giới diễn ra rất nhanh chóng, trong khi Việt Nam còn thiếu cơ sở pháp lý để sớm có thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon đi vào vận hành.
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 06/2022/NĐ-CP và bối cảnh quốc tế và trong nước đặt ra những yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung một số điều để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP; việc sửa đổi này cũng đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đến nay, dự thảo Nghị định và dự thảo Thông tư đã được xây dựng, điều chỉnh một số quy định hiện hành và bổ sung một số quy định mới nhằm tạo điều kiện thuân lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các chính sách về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường carbon, bảo vệ tầng ozone. Dự thảo Nghị định tập trung vào 5 nhóm vấn đề chủ yếu.
Cụ thể: tăng cường công tác kiểm kê khí nhà kính phục vụ phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính để chuẩn bị cho thị trường carbon; bao gồm kiểm kê khí nhà kính, thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính và kết quả giảm phát thải…
Dự thảo cũng quy định chi tiết về phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính; trước mắt tập trung vào các cơ sở phát thải lớn đồng thời khối doanh nghiệp đang chịu tác động của cơ chế CBAM của EU và Hoa Kỳ .
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định còn quy định chi tiết về tổ chức thị trường carbon, quản lý tín chỉ carbon trong nước, trao đổi hạn ngạch và tín chỉ carbon trên sàn giao dịch carbon trong nước .
Dự thảo còn quy định về trao đổi tín chỉ carbon quốc tế theo quy định của Thỏa thuận Paris
Cuối cùng, dự thảo Nghị định có một số quy định về bảo vệ tầng ozone.
Để Nghị định, Thông tư được ban hành đi vào cuộc sống có tính khả thi theo yêu cầu thực tiễn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp, Cục trưởng Tăng Thế Cường mong muốn các đại biểu đóng góp ý kiến với tinh thần cởi mở, thẳn thắng nhằm giúp Cơ quan soạn thảo hoàn thiện các nội dung dự thảo Nghị định và Thông tư; trong đó tập trung vào các nội dung chính:
Thứ nhất là, tính khả thi của các nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung; những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các quy định.
Thứ hai là, về trách nhiệm của các Bộ, địa phương, doanh nghiệp trong việc thực hiện các nội dung được nêu trong dự thảo Nghị định.
Thứ ba là, sự phối hợp giữa các Bộ, địa phương, doanh nghiệp được nêu trong dự thảo Nghị định.
Tại Hội thảo, nhiều vấn đề đã được đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan trong thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozone; quy định phân bổ hạn ngạch và quản lý tín chỉ carbon…
Ông Phạm Văn Hùng – Ban Pháp chế của VCCI cho rằng, theo dự thảo Nghị định sửa đổi dự kiến đẩy lộ trình kiểm kê và phân bổ hạn ngạch sớm hơn so với Nghị định 06/2022/NĐ-CP. Quy định này có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nội địa với tiềm lực yếu và chưa có nhiều hiểu biết về lĩnh vực mới này.
Ông Phạm Văn Hùng cũng góp ý thêm, tại điều 12 quy định về phân bổ hạn ngạch cho doanh nghiệp thì phương pháp phân bổ chưa rõ ràng, có thể khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xác định lượng phát thải được phân bổ và tính toán trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Về quy định việc cấp phép cho các đơn vị thẩm định kết quả khí nhà kính, theo ông Hùng, về bản chất, quy định này được coi là một điều kiện kinh doanh. Vì vậy, việc ban hành điều kiện kinh doanh phải tuân thủ theo Luật Đầu tư, cụ thể phải có trong Danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, qua rà soát sơ bộ, ngành nghề này không thuộc trong Danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện. Do vậy, cần làm rõ điều này để không trái với Luật Đầu tư.
Ông Phạm Văn Hùng cũng nếu vấn đề, đối với doanh nghiệp có nhu cầu mua tín chỉ carbon nhưng không thuộc đối tượng quy định của Nghị định thì có được mua không và đề xuất cần mở rộng đối tượng tham gia thị trường carbon để tạo điều kiện cho những doanh nghiệp có nhu cầu.
Góp ý về một nội dung quan trọng của Dự thảo Nghị định là phân bổ hạn ngạch, ông Tạ Quang Kiên - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận chất lượng và phát triển doanh nghiệp - Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, cần làm rõ các cơ sở được phân bổ hạnh ngạch và các cơ sở không được phân bổ hạn ngạch, để từ đó xác định đơn vị thẩm định là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh hay là các đơn vị thẩm định độc lập?
Dự thảo Nghị định đang yêu cầu tổ chức phải có kỹ thuật viên được cấp chứng nhận hoàn thành khoá học về kiểm kê khí nhà kính theo quy định của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đối với lĩnh vực tương ứng và được cấp chứng nhận tiêu chuẩn TCVN ISO 14064-3 về quy định kỹ thuật và hướng dẫn đối với thẩm định, kiểm định của các xác nhận khí nhà kính. Tức là yêu cầu 1 kỹ thuật viên có cả 2 chứng nhận trên. Theo ông Tạ Quang Kiên, điều này chúng ta cần xem xét vì số lượng kỹ thuật viên của Việt Nam được đào tạo theo công ước khung đang rất ít và chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa đáp ứng đủ cho kế hoạch thực hiện theo thời gian mà nghị định 06 yêu cầu.
Ở góc độ đại diện doanh nghiệp, ông Trần Tuấn Anh, Ban Khoa học và Môi trường, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) thống nhất và ủng hộ về sự cần thiết, quan điểm xây dựng Nghị định 06 sửa đổi trên tinh thần thúc đẩy sớm triển khai trao đổi hạn ngạch và phát triển thị trường carbon.
Tuy nhiên, vấn đề kiểm kê, giảm nhẹ khí nhà kính là vấn đề mới, trong 2 năm qua, EVN đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện tuân thủ quy phạm pháp luật về việc cung cấp thông tin/dữ liệu vận hành của các nhà máy điện theo Quyết định 01 của Thủ tướng Chính phủ để gửi Bộ Công Thương kiểm kê.
Ông Trần Tuấn Anh đề xuất, về cơ chế trao đổi hạn ngạch, tin chỉ cacbon, cần xem xét có hạn ngạch tổng cho cấp Tập đoàn/Tổng Công ty nhằm để các Tập đoàn có thể chủ động trong quá trình quản lý vận hành các cơ sở nhà máy nhiệt điện và chủ động điều phối chung quá trình bù trừ, trao đổi tin chỉ carbon trong các đơn vị thành viên.
Bên cạnh đó, cần xem xét bổ sung cơ chế trong một số trường hợp cấp bách cần huy động tối đa công suất các nhà máy để vận hành sản xuất điện đảm bảo nhu cầu phát triển đất nước đặc biệt trong những thời điểm nắng nóng.
Ngoài ra, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp khác cũng cho rằng, do có nhiều vấn đề mới nên Dự thảo Nghị định cần làm rõ hơn các khái niệm, phạm vi để phân rõ trách nhiệm quản lý của Bộ, ngành, địa phương và tạo thuận lợi khi tổ chức triển khai thực hiện.
Các đại biểu cũng cho rằng, các quy định về thị trường carbon cần rõ ràng cho các loại hàng hóa hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon, cũng như những nội dung đặc thù cho giao dịch trong nước và bán tín chỉ ra quốc tế. Trong đó, chú trọng đảm bảo các vấn về minh bạch để tránh xảy ra tình trạng tính trùng tín chỉ trong giao dịch.
Tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 06 sẽ đảm bảo các cơ sở về chính trị, pháp lý và thực tiễn. Song song với xây dựng dự thảo Nghị định, trong thời gian tới, Cục Biến đổi khí hậu sẽ tổ chức xây các hồ sơ liên quan. Trong đó, xây dựng báo cáo rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 06 để có căn cứ đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung; đảm bảo tuân thủ quy định xây dựng ban hành văn bản quy phạm về báo cáo tác động chính sách, kinh tế - xã hội.
Thu Cúc