Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
'
Thông tin về tình hình thị trường lao động sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, tính đến thời điểm này, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở các địa phương như: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương… người lao động đã trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết, các địa phương đạt 97-98%, nhiều nơi đến 100%.
Thông thường sau Tết, có một bộ phận người lao động vì một số lý do như nghỉ phép thêm, chuyển việc, hoặc thay đổi chỗ ở, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tại một số nhà máy và một số địa phương. Ngay từ trước Tết, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã dự báo tình hình và hướng dẫn các địa phương nắm chắc, dự báo chắc diễn biến về người lao động, thị trường lao động tại các nhà máy, xí nghiệp.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm ổn định thị trường.
Theo đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã đôn đốc các địa phương và doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách về tiền lương, thưởng đối với người lao động tại các doanh nghiệp, đặc biệt là khu công nghiệp, khu chế xuất.
Nhiều nhà máy tổ chức các chuyến xe đưa người lao động về trước Tết và đón người lao động sau Tết. Đây là chính sách rất tốt mà các doanh nghiệp đã làm. Đồng thời các doanh nghiệp cũng công bố việc lì xì, thưởng khi người lao động quay trở lại nhà máy sau Tết. Có những nơi có đơn hàng gấp, doanh nghiệp có chính sách lì xì 500.000 đồng đến 2 triệu đồng.
Công đoàn các cấp cũng đã tổ chức nhiều chuyến xe đưa đón người lao động, góp phần cùng doanh nghiệp ổn định thị trường.
Về tình hình bảo đảm chính sách lương thưởng Tết, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho hay, các địa phương, các doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách tiền lương, bình quân tiền lương của người lao động năm 2024 đạt gần 9 triệu đồng/tháng, tăng so với năm 2023 và mức thưởng bình quân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ là 7,72 triệu đồng/người, tăng 13% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn (6,85 triệu đồng/người).
Các công ty, doanh nghiệp cũng có chính sách "giữ chân" người lao động rất đa dạng, phong phú, thậm chí nhiều nơi nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp hỗ trợ chi phí di chuyển cho người lao động về quê ăn Tết; thực hiện tốt chính sách thưởng, lương tháng thứ 13.
Nhiều địa phương, sau Tết triển khai nhiều chương trình về giao dịch việc làm nhằm tăng cường kết nối trực tuyến giữa các địa phương và thị trường lao động. Đây là các giải pháp cơ bản để bảo đảm đồng bộ, góp phần giữ vững, ổn định thị trường lao động, không để xảy ra thiếu lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm sau Tết Ất Tỵ 2025.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cũng cho biết, công tác bảo đảm an sinh xã hội cho người dân dịp Tết được đánh giá rất tốt. Để có kết quả như vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm đến công tác chăm lo Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Trước Tết, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 40 và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 45 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Đầu tháng 1/2025, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 184 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác bảo đảm an sinh xã hội, an toàn trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Qua đó, các địa phương đã ban hành nhiều văn bản của Tỉnh ủy, Thành ủy và hầu hết UBND các tỉnh, thành phố đều ban hành kế hoạch chăm lo Tết cho các đối tượng người có công với cách mạng, người nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội và các đối tượng chính sách khác trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Thực hiện kế hoạch của Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư, đồng chí Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các địa phương đã trực tiếp đi thăm và tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, công nhân lao động tại các nhà máy, các khu công nghiệp. Qua đó, huy động xã hội tăng cường chăm lo cho các đối tượng chính sách, bảo đảm Tết Nhân ái, sum vầy, chia sẻ.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã thành lập đoàn công tác do Lãnh đạo Bộ làm Trưởng đoàn trực tiếp đi kiểm tra công tác bảo đảm an sinh xã hội và thăm hỏi, động viên công chức, viên chức và người lao động và các đối tượng chính sách, người lao động ứng trực đêm giao thừa, làm việc xuyên Tết Nguyên đán Ất Tỵ và tặng quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Thực hiện hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện. Phần lớn ngân sách trích của tỉnh để hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo từ 300.000-500.000 đồng/hộ, trong đó có cả đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn.
Một số địa phương có mức hỗ trợ từ 500.000 đến 1,5 triệu đồng như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Bình Thuận, Bình Dương...
Nhìn chung, công tác bảo đảm an sinh xã hội dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 cho người có công với cách mạng, người cao tuổi, các đối tượng bảo trợ xã hội, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn… đã được thực hiện hiệu quả, thiết thực, theo phương châm không ai bị bỏ lại phía sau.
Theo báo cáo của các địa phương, dịp Tết Ất Tỵ 2025, toàn quốc đã hỗ trợ, tặng quà Tết cho trên 13,5 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí gần 8.000 tỷ đồng.
Đối với Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước, vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các địa phương cũng đẩy mạnh tiến độ triển khai, trong đó đã thực hiện được 88.000 căn nhà mới, xây mới bàn giao cho các hộ khó khăn về ở trước Tết.
Thu Cúc