Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sáng 7/10, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 trực tuyến với 63 địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương sự nỗ lực, cố gắng vượt khó của một số bộ, ngành, địa phương, nhất là Hà Nội, TPHCM khi đóng góp trên 51% tổng thu ngân sách cả nước, trong đó Hà Nội đóng góp 25,93%, TPHCM là 25,45%.
Thủ tướng cũng biểu dương sự nỗ lực của các địa phương như Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng trong quá trình khắc phục hậu quả bão số 3; một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên có nỗ lực lớn như Đắk Lắk, Đắk Nông; các tỉnh đạt tăng trưởng trên 10% như Bắc Giang, Hà Nam, Thanh Hóa, Khánh Hòa và đặc biệt là 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) 9 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Lai Châu tăng 47%; Phú Thọ tăng 40,3%; Bắc Giang tăng 28,2%; Thanh Hóa tăng 20%; Bình Phước tăng 17,5%. Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao như: Khánh Hòa tăng 196%; Trà Vinh tăng 54,1%; Điện Biên tăng 46,8%; Cao Bằng tăng 46,2%.
Trong 9 tháng, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 55 tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo đó, Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,5 tỷ USD, chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp 3,47 lần cùng kỳ. Tiếp theo là TPHCM với hơn 1,91 tỷ USD, chiếm 7,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 15,1% so với cùng kỳ. Quảng Ninh đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,81 tỷ USD, chiếm 7,3% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội...
Doanh thu bán lẻ hàng hóa cả nước ước đạt 3.630,2 nghìn tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 5,4%). Các địa phương đóng góp vào con số này như Quảng Ninh tăng 10,4%; Hải Phòng tăng 9,3%; Cần Thơ tăng 7,7%; Đà Nẵng tăng 7,4%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,2%; Hà Nội tăng 7,0%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 543,0 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Khánh Hòa tăng 18,0%; Cần Thơ tăng 11,9%; Hà Nội tăng 10,5%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 9,4%; Bình Dương tăng 7,9%.
Ngoài ra, doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 45,6 nghìn tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước do các địa phương ngay từ đầu năm đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, thu hút khách trong nước và quốc tế (TPHCM tăng 42,2%; Đà Nẵng tăng 38,6%; Cần Thơ tăng 33,7%; Hà Nội tăng 29,7%; Quảng Ninh tăng 21,0%; Bình Dương tăng 14,6%).
Bắc Giang và Thanh Hóa là 2 "điểm sáng" trong bức tranh kinh tế-xã hội 9 tháng của cả nước khi dẫn đầu về chỉ số tăng trưởng GRDP.
Phát biểu tại Phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Nguyễn Văn Gấu cho biết 9 tháng năm 2024, KT-XH tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực, ước đạt 13,89%, dẫn đầu cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 28,5%. Tổng giá trị xuất nhập khẩu 9 tháng đạt 39,8 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023. Thu hút đầu tư FDI trên 1 tỷ USD; thu ngân sách tăng trên 30% so với cùng kỳ.
Hưởng ứng phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát, toàn tỉnh đã hỗ trợ, xây dựng, hoàn thành và bàn giao 762/970 căn nhà dột nát, đạt 78,6%; 198 căn đang thi công, còn 10 căn tiếp tục hỗ trợ và khởi công thời gian tới. Dự kiến trong năm nay, tỉnh sẽ hoàn thành kế hoạch đạt ra.
Bên cạnh kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang nhìn nhận tỉnh còn gặp một số khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả của bão số 3 để nhanh chóng ổn định tình hình, khôi phục sản xuất.
Tại Phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn bày tỏ đánh giá cao và xúc động trước sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm động viên, chia sẻ, hỗ trợ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan Trung ương, đặc biệt là Bộ Công an và Bộ Quốc phòng; sự ủng hộ giúp đỡ to lớn của các tỉnh, thành đã hướng về các tỉnh miền núi phía Bắc để tái thiết, khắc phục những hậu quả hết sức nặng nề của cơn bão số.
Theo ông Tuấn, 9 tháng năm 2024, KT-XH tỉnh Thanh Hóa tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng và chuyển biến rất tích cực trên các lĩnh vực.
GRDP 9 tháng đạt 12,46%, đứng thứ 2 cả nước, sau Bắc Giang. Tổng thu NSNN đạt trên 43.000 tỷ đồng, vượt 20% dự toán cả năm và tăng 44,7% so với cùng kỳ, tỉnh đang phấn đấu hết năm 2024 sẽ thu trên 50.000 tỷ đồng.
Thu hút FDI đạt gấp 1,8 lần so với số dự án và tăng 26% về vốn đăng ký. Giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đạt 66,6% kế hoạch Thủ tướng giao.
"Tỉ lệ thành lập doanh nghiệp mới tăng 22,6%. Điều đáng mừng số doanh nghiệp tham gia thị trường gấp 2 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường", Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục bám sát và học hỏi kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành xử lý các vấn đề phát sinh, các tình huống khẩn cấp, cấp bách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để vận dụng sáng tạo và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Tỉnh cũng sẽ tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, thể chế với tinh thần "vướng ở đâu gỡ ở đó, vướng cái gì gỡ cái đó" đúng pháp luật nhưng phù hợp với thực tiễn, nhanh, hiệu quả.
Anh Thơ