Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (thứ 2 từ trái sang) trồng những cây xanh đầu tiên tại lễ phát động thực hiện Đề án trồng 10 triệu cây xanh tại Bến Tre ngày 2/1/2021. Ảnh: VGP |
Bến Tre là tỉnh đầu tiên hưởng ứng sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng bằng việc phối hợp cùng Cổng TTĐT Chính phủ tổ thành công lễ phát động Đề án trồng 10 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh từ nguồn xã hội hóa vào ngày 2/1.
Theo Đề án trồng 10 triệu cây xanh tỉnh Bến Tre, trong giai đoạn đầu, tỉnh tập trung trồng cây trên các tuyến đường có đầu tư lớn như quốc lộ 60, 57, 57B, 57C, đường 173, đường Cồn Rừng, đường dẫn về các khu du lịch huyện Châu Thành, Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại. Chương trình tập trung vào các mục tiêu: gia tăng diện tích phủ xanh; tạo cảnh quan môi trường đô thị, các quốc lộ và tuyến lộ xã nông thôn mới.
Ngay sau lễ phát động, UBND tỉnh Bến Tre đã giao các đơn vị, các huyện, thành phố trên địa bàn triển khai thực hiện Chỉ thị 45 của Thủ tướng.
Tại Vĩnh Phúc, ngày 6/1, UBND tỉnh ban hành kế hoạch trồng rừng, trồng cây phân tán năm 2021 và tổ chức Tết trồng cây Xuân Tân Sửu.
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát các địa điểm, diện tích trồng cây phân tán ở khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư, khu di tích lịch sử, khu tưởng niệm, đình - chùa, trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa xã, nhà văn hoá thôn, các tuyến đường có hành lang giao thông, trang trại, vườn hộ gia đình, các khu đất chưa sử dụng. Từ đó, xây dựng kế hoạch thực hiện trồng cây phân tán trên địa bàn.
Cây trồng phải có địa chỉ cụ thể, được giao cho tổ chức, cá nhân quản lý, chăm sóc, bảo vệ. Việc trồng cây phân tán phải gắn với thực hiện tiêu chí nông thôn mới có liên quan trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phát động và thực hiện Tết trồng cây xuân Tấn Sửu.
Theo đó, căn cứ chỉ tiêu, kế hoạch trồng rừng, trồng cây phân tán được giao hằng năm, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, tổ chức tuyên truyền và huy động các nguồn lực xã hội hóa, phấn đấu thực hiện vượt kế hoạch được giao.
Kế hoạch thực hiện “Tết trồng cây” phải gắn với các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2021 và giai đoạn 2021-2025; tổ chức Tết trồng cây thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức; chủ động, linh hoạt về thời gian, địa điểm, đối tượng thực hiện để đảm bảo phù hợp với mùa vụ trồng cây, trồng rừng của tỉnh…
Cùng với trồng cây, các địa bàn phải thực hiện đồng bộ giải pháp phòng chống cháy rừng, chống chặt, phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật; tiếp tục đóng cửa rừng tự nhiên, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác…
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng vừa ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Tân Sửu 2021.
Theo đó, tổ chức thực hiện hiệu quả Tết trồng cây trên địa bàn nhằm hiện thực hóa sáng kiến “Trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới” của Thủ tướng Chính phủ vào ngày 18/2 (mùng 7 tháng Giêng năm Tân Sửu).
UBND tỉnh yêu cầu việc tổ chức Tết trồng cây phải phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị; thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, không phô trương và huy động được mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Mỗi huyện, thị xã, thành phố lựa chọn một xã tổ chức lễ phát động Tết trồng cây và chủ động mời đại biểu tham dự.
Mỗi đại biểu tham gia “Tết trồng cây” phải trồng ít nhất 15 cây trở lên và trong dịp Tết trồng cây 2021, toàn tỉnh phấn đấu trồng khoảng 1,5 triệu cây trở lên.
Địa điểm trồng cây ưu tiên là những nơi đất trống tại khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư tập trung, trong các cơ quan, trường học, bệnh viện, các khu di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh, quanh nhà, quanh vườn, ven đường, dọc bờ sông, bờ kênh mương, trên các bờ vùng, bờ thửa, vùng gò đồi, vùng phòng hộ ngoài đê biển…
Tại Hải Dương, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ NN&PTNT.
Triển khai kế hoạch tổ chức Tết trồng cây Xuân Tân Sửu 2021, Sở NN&PTNT Thành phố Hà Nội cho biết, đến nay (17/1), đơn vị đã nhận được báo cáo kế hoạch của 24 quận, huyện. Theo đó, tổng số cây theo đăng ký của các quận, huyện, thị xã, các đơn vị là 408.804 cây xanh các loại, trong đó, có 163.504 cây bóng mát, cây xanh đô thị; 108.000 cây ăn quả; 137.300 cây lâm nghiệp, cây lấy gỗ.
Lãnh đạo UBND Thành phố cũng yêu cầu việc tổ chức Tết trồng cây phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; tạo điều kiện đề các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia.
Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây” đăng trên Báo Nhân dân, kêu gọi trồng cây, trồng rừng và phát động “Tết trồng cây” đầu tiên từ Tết Nguyên đán Canh Tý 1960.
Từ đó đến nay, hằng năm, các cấp, các ngành và nhân dân cả nước đã nhiệt liệt hưởng ứng, tham gia tích cực phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng để “Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” như mong ước của Bác. “Tết trồng cây” đã trở thành truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc ta từ hơn 60 năm qua. Trước thực tế thiên tai diễn biến ngày càng khốc liệt, khó lường, gây thiệt hại nặng nề về người và của, để góp phần đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, ngày 10/11/2020, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới. Ngày 2/1/2021, tỉnh Bến Tre phối hợp với Cổng TTĐT Chính phủ và Quỹ Tấm lòng Vàng tổ chức phát động Đề án trồng 10 triệu cây xanh. Đây là tỉnh đầu tiên trong cả nước hưởng ứng sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới. |
Thanh Xuân