• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Nhiều dư địa xuất khẩu thủy sản sang EU trong những tháng cuối năm

(Chinhphu.vn) - Trong những tháng cuối năm 2021, nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại EU có xu hướng hồi phục trở lại, cùng những ưu đãi đặc biệt về thuế quan từ Hiệp định EVFTA... sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho các sản phẩm thủy sản của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường rộng lớn này.

09/09/2021 18:00
Tôm là mặt hàng có thuế nhập khẩu ưu đãi theo EVFTA được cắt giảm ngay, hoặc theo lộ trình 3- 5 năm, còn tôm chế biến theo lộ trình 7 năm. Ảnh minh họa
EU là một trong 5 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản cho EU đứng thứ hai tại châu Á, chỉ xếp sau Trung Quốc. Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của EU là rất lớn, trên 50 tỷ USD/năm. Chính vì vậy, thủy sản là một trong những mặt hàng được quan tâm nhất trong quá trình đàm phán Hiệp định EVFTA để giúp nhóm hàng này tận dụng tối đa cam kết thuế nhập khẩu ưu đãi, thâm nhập mạnh vào thị trường EU.

Gần một năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đã và đang có những thay đổi, khi các doanh nghiệp Việt Nam tích cực đẩy mạnh xuất khẩu những sản phẩm thủy sản được ưu đãi từ EVFTA, trong khi phía đối tác cũng ưu tiên lựa chọn sản phẩm thủy sản từ Việt Nam do có mức giá cạnh tranh hơn.

Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 485 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này cao hơn nhiều so với mức tăng 14,4% của xuất khẩu thủy sản của cả nước.

Với kết quả trên, EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ tư của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc), chiếm 11,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, tăng 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.

Tiêu biểu trong nhóm thủy sản tận dụng được lợi thế từ EVFTA là tôm. Tôm là mặt hàng có thuế nhập khẩu ưu đãi theo EVFTA được cắt giảm ngay, hoặc theo lộ trình 3, 5 năm, còn tôm chế biến theo lộ trình 7 năm.

Xuất khẩu tôm sang EU 6 tháng vừa qua đạt gần 256 triệu USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, riêng tôm chân trắng đạt trên 205 triệu USD, tăng 31%. Thị trường EU chiếm trên 14% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam, đứng thứ ba sau thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Tiếp theo đó là mặt hàng cá ngừ. Theo EVFTA, cá ngừ tươi sống, đông lạnh hoặc philê, ướp lạnh được cắt giảm ngay thuế (trừ thăn/philê cá ngừ đông lạnh). Đối với cá ngừ chế biến đóng hộp, EU miễn thuế cho Việt Nam trong mức hạn ngạch 11.500 tấn/năm.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, cá ngừ xuất khẩu sang EU, đạt 73,3 triệu USD, tăng 31,6%. Thị trường EU chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam, đứng thứ hai sau Hoa Kỳ. Trong đó, riêng xuất khẩu cá ngừ chế biến đóng hộp đạt 35,5 triệu USD, tăng 116,6% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu nghêu, sò, bạch tuộc, mực đều ghi nhận tăng trưởng. Những mặt hàng này được cam kết thuế nhập khẩu ưu đãi theo EVFTA là cắt giảm ngay, hoặc theo lộ trình 3 năm.

Xuất khẩu chả cá và surimi (cá xay nhuyễn) tăng mạnh. Surimi là mặt hàng theo cam kết hàng năm sẽ có lượng hạn ngạch hưởng thuế 0% theo EVFTA là 500 tấn. Xuất khẩu 6 tháng đầu năm sang EU mặt hàng surimi đạt 3,19 triệu USD, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu cao, xuất khẩu cá tra còn nhiều khó khăn.

Cá tra xuất khẩu sang EU chưa có dấu hiệu hồi phục, tiếp tục sụt giảm 12,2% về lượng và 16,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân là do nhu cầu thị trường chưa phục hồi mạnh, trong khi xuất khẩu phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt container để xếp hàng và giá cước vận tải biển tăng liên tục. Ngoài ra, các chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, chế biến cũng tăng vọt, ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Về thị trường xuất khẩu, các thị trường xuất khẩu thủy sản chủ lực của Việt Nam tại EU đều đạt mức tăng trưởng tốt, như Hà Lan (chiếm 20,5% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang EU, đạt 99 triệu USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2020), Đức (chiếm 19%, đạt 92 triệu USD, tăng 19,3%), Italy (chiếm 13%, đạt 63 triệu USD, tăng 78,7%), Bỉ (chiếm 11,7%, đạt 57 triệu USD, tăng 3,3%), Pháp (chiếm 7,8%, đạt 37 triệu USD, tăng 11,8%),... Ngoài ra, một số thị trường có kim ngạch xuất khẩu nhỏ nhưng lại đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ, cho thấy tiềm năng xuất khẩu, đó là Bungari (tăng 192,7%), Estonia (tăng 153,5%), Litva (tăng 66,3%), Thụy Điển (tăng 63,1%)...

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết, trong nhiều năm qua, EU luôn được biết đến là một trong những thị trường xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU trong những năm gần đây gặp nhiều khó khăn, nhất là từ tháng 10/2017. Đây là thời điểm Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) áp thẻ vàng IUU. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu thủy sản sang EU sụt giảm liên tiếp trong 3 năm (2018 -2020), cho dù những năm trước luôn ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá.

Ngày 1/8/2020, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực và được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội bứt phá mới cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU nhờ hàng loạt cam kết ưu đãi thuế quan, góp phần khiến thủy sản Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh về giá so với các sản phẩm cùng ngành ở các nước lân cận. Thu hút đầu tư nước ngoài được kỳ vọng tăng lên, công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm được chú trọng nâng cao để đáp ứng theo tiêu chuẩn EU. Cùng với đó, môi trường kinh doanh và thể chế được đảm bảo theo hướng ổn định, minh bạch hơn vì hệ thống pháp luật cũng được điều chỉnh, bổ sung quy định để phù hợp với FTA đã ký kết.

Cục Xuất nhập khẩu đánh giá, trong những tháng cuối năm 2021, nhu cầu tiêu thụ tại EU đang có xu hướng hồi phục trở lại, cộng với những ưu đãi đặc biệt về thuế quan từ EVFTA sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho các sản phẩm thủy sản của Việt Nam tăng thêm tính cạnh tranh tại thị trường này.

Tuy nhiên, diễn biến của dịch COVID-19 tại thị trường trong và ngoài nước, cùng với những ảnh hưởng của thẻ vàng IUU sẽ tiếp tục là những yếu tố tác động lớn. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, nuôi trồng, chế biến thủy sản đang gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh đang lây lan mạnh. Do vậy, các cơ quan chức năng cần triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ cần thiết cho việc phục hồi và duy trì ổn định sản xuất, xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tận dụng tốt cơ hội thị trường trong thời gian tới.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, nhằm tận dụng các cơ hội mà EVFTA mang lại, cơ quan này luôn ưu tiên đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu thông tin, kết nối đối tác, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU. Trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, hàng năm Bộ Công Thương dành trung bình 20% tổng kinh phí của chương trình cho các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường này.

Phan Trang