• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Nhiều giải pháp chấn chỉnh lao động vi phạm hợp đồng

(Chinhphu.vn) - Tính đến hết Quý I/2024, cả nước đã đưa 35.933 người ra nước ngoài làm việc. Để giữ ổn định các thị trường truyền thống và phát triển các thị trường mới, các cơ quan của Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc tích cực khắc phục tình trạng lao động vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp tại các nước, vùng lãnh thổ.

10/04/2024 15:29
Nhiều giải pháp chấn chỉnh lao động vi phạm hợp đồng- Ảnh 1.

Chú trọng giáo dục định hướng, phổ biến cho người lao động về những rủi ro nếu bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc và trách nhiệm tuân thủ pháp luật nước sở tại

Năm 2024, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa 125.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó tập trung vào một số thị trường trọng điểm, truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Đáng chú ý, nhu cầu về nguồn nhân lực nước ngoài của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức tiếp tục gia tăng là các yếu tố thuận lợi, tạo tiền đề cho việc triển khai thực hiện các chương trình trong năm nay và các năm tiếp theo.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), qua số liệu báo cáo của các doanh nghiệp, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 3 vừa qua là 12.738 lao động. Tính chung trong quý I năm nay, 35.933 lao động đã đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục là các thị trường tiếp nhận chủ yếu lao động Việt Nam sang làm việc.

Giáo dục định hướng, nhận định rủi ro

Bên cạnh hai thị trường lớn trên, lao động Việt Nam còn sang làm việc tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Rumani, Thái Lan, Macao (Trung Quốc), Arab Saudi, Hungary và các thị trường khác… Để giữ ổn định các thị trường truyền thống và phát triển các thị trường mới, các cơ quan của Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc tích cực khắc phục tình trạng lao động vi phạm hợp đồng (bỏ trốn) và cư trú bất hợp pháp tại các nước, vùng lãnh thổ.

Mục đích của lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp là để ở lại nước ngoài làm việc lâu hơn, có thu nhập cao hơn so với làm việc theo hợp đồng. Trước tình trạng đó, năm 2023, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phải ra thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) đợt 1 năm 2023 đối với 8 huyện, thị xã, thành phố của 4 tỉnh, do vẫn không giảm được tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước.

Còn tại Rumani, thị trường này có gần 11.000 lao động Việt Nam đang làm việc, thu nhập ổn định và được đánh giá là thị trường trọng điểm, tiềm năng, thủ tục cấp visa thông thoáng, có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài. Tuy nhiên, gần đây đã phát sinh tình trạng lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc nghe theo đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ di cư trái phép sang nước khác..., gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người lao động Việt Nam.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp nghiêm túc chấn chỉnh tình trạng này. Một trong những yêu cầu đối với các doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam sang Rumani làm việc là giáo dục định hướng, phổ biến cho người lao động về những rủi ro nếu bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc và trách nhiệm tuân thủ pháp luật nước sở tại.

Đặc biệt, doanh nghiệp rà soát danh sách lao động bỏ trốn theo quê quán để xác định các địa phương có nhiều lao động bỏ hợp đồng, trốn sang nước thứ ba để có phương án tuyển chọn phù hợp cho các đợt tuyển dụng tiếp theo.

Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.

Kế hoạch này không chỉ xây dựng chiến lược đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, mà còn chú trọng giải pháp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người lao động nhằm ngăn ngừa, hạn chế tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài vi phạm pháp luật, cư trú bất hợp pháp; tăng cường cơ chế phối hợp thông tin kịp thời, hiệu quả về các vấn đề phát sinh của người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Thúc đẩy các thị trường lao động mới

Bên cạnh việc tiếp tục phát triển các thị trường truyền thống, điểm sáng của công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua là việc tăng cường, mở cửa thêm cơ hội việc làm cho lao động tại các nước châu Âu. Điển hình là tại Hungary, số lượng lao động sang làm việc tại thị trường này tăng trong dần theo các năm, trong đó số lượng lao động xuất cảnh năm 2021 là 465 người, năm 2022 là 775 người và đã lên tới 1.148 lao động chỉ trong 9 tháng năm 2023.

Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hungary. Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đã có buổi làm việc với Đại sứ Hungary tại Việt Nam Baloghdi Tibor. Theo đó, hai nước cần thảo luận làm rõ hơn các vấn đề về hành lang pháp lý tạo điều kiện để hỗ trợ người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hungary; tạo điều kiện hỗ trợ lao động Việt Nam trong việc cấp Visa lao động; hỗ trợ các đơn vị tuyển chọn lao động Việt Nam trong việc đào tạo ngoại ngữ để giúp lao động dễ hòa nhập hơn trong môi trường mới.

Đại sứ Baloghdi Tibor cho biết, số lượng lao động Việt Nam sang làm việc tại Hungary tương đối nhiều so với các quốc gia khác và lao động đã hòa nhập tương đối nhanh với môi trường làm việc mới. Cùng với đó, các đơn vị sử dụng lao động Việt Nam tại Hungary cũng đánh giá cao lao động Việt Nam là người rất chăm chỉ và có tay nghề tốt đáp ứng được nhu cầu công việc.

Hiện nay, thị trường lao động tại Hungary đang thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao. Việt Nam là một trong những quốc gia được phía Hungary đơn giản hóa các thủ tục cấp Visa lao động với mong muốn trong những năm tới đây sẽ có nhiều lao động Việt Nam sang làm việc Hungary.

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng vừa có buổi tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Saudi Arabia tại Việt Nam Mohammed Ismaeil A. Dahlwy nhằm trao đổi những vấn đề liên quan đến thúc đẩy hợp tác quan hệ lao động giữa hai nước.

Hai bên đã thống nhất nâng cao mức độ hợp tác trong đào tạo nghề, đồng thời xem xét lại các nội dung của Hiệp định tuyển dụng lao động giúp việc gia đình được ký kết vào năm 2014 theo hướng có thể điều chỉnh lại để tiếp nhận nhiều hơn lao động Việt Nam trong các lĩnh vực khác như công nghiệp, du lịch…

"Theo thống kê, hiện nay có khoảng 5.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Saudi Arabia, chủ yếu là lao động giúp việc gia đình, xây dựng, dịch vụ nhà hàng. Đây là con số chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác phát triển của hai nước, một phần nguyên nhân liên quan đến thể chế pháp luật và khoảng cách địa lý giữa hai nước," Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định.

Trong thời gian tới, để có thể đẩy mạnh hơn số lao động Việt Nam chất lượng cao sang làm việc tại Saudi Arabia, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị hai nước cần chia sẻ cùng nhau cách nhìn tương đồng về thể chế, pháp luật trong việc đưa và tiếp nhận lao động.

Phía Saudi Arabia cần hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động Việt Nam trước khi đi làm việc; cụ thể hóa các nội dung liên quan đến chế độ lương thưởng đối với người lao động Việt Nam. Đồng thời, cần chỉnh sửa nội dung Hiệp định tuyển dụng lao động giúp việc gia đình được ký kết vào năm 2014, mở rộng các lĩnh vực nghề mà hai bên có thể hợp tác và là thế mạnh của lao động Việt Nam như lĩnh vực công nghiệp, khai thác dầu khí, cơ khí.

Thu Cúc