• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Nhiều quy định phân biệt đối xử DN tư nhân hơn FDI

(Chinhphu.vn) - Nhiều điều kiện kinh doanh mà doanh nghiệp tư nhân phải làm còn cao, bất bình đẳng hơn so với doanh nghiệp FDI.

20/06/2018 12:15

Nhận định được ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đưa ra tại Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam năm 2018 diễn ra ngày 19/6. 

Theo ông Tuấn, nhiều điều kiện kinh doanh với doanh nghiệp tư nhân còn cao, bất bình đẳng hơn so với doanh nghiệp FDI.

Đơn cử: Thủ tục đăng ký kinh doanh lĩnh vực giáo dục và đào tạo, FDI hoạt động theo Nghị định 73, doanh nghiệp trong nước hoạt động theo Nghị định 46. Hay doanh nghiệp FDI chỉ cần có vốn tối thiểu 300 tỷ đồng để kinh doanh nhưng doanh nghiệp trong nước phải có vốn 1.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp Việt Nam phải có diện tích tối thiểu 5 ha, nhưng doanh nghiệp FDI thì không cần. Doanh nghiệp FDI được thuê trụ sở, doanh nghiệp tư nhân phải xây trụ sở... 

"Có nhiều điều kiện kinh doanh ưu ái doanh nghiệp nước ngoài hơn, được trải thảm. Thậm chí lịch làm việc của Chủ tịch một số tỉnh dành thời gian cho nước ngoài nhiều hơn cho doanh nghiệp trong nước", đại diện VCCI nói.

Trong khi đó, tiền lương tối thiểu tăng, đóng góp bảo hiểm xã hội cũng tăng; BOT là vấn đề gây bức xúc; phí logistics vẫn là gánh nặng cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế xuất nhập khẩu như Việt Nam. Gần đây, trần khung thuế bảo vệ môi trường tăng gấp đôi; phí hạ tầng cảng biển tiếp tục đặt ra tạo chi phí cho doanh nghiệp.

"Doanh nghiệp trong nước cần quan tâm hơn, hưởng ưu đãi tốt hơn, đây mới là nền tảng và là trụ cột cho bất kỳ nền kinh tế nào. Chủ trương của chính phủ giảm chi phí cho doanh nghiệp nhưng các dự luật, đề xuất xây dựng chính sách gần đây lại đậm nét tăng thu như Luật sửa 6 luật thuế đề xuất tăng thuế VAT, điều chỉnh trần thuế bảo vệ môi trường qua xăng dầu…", ông Tuấn nói.

Mặc dù vậy, ông Tuấn thừa nhận cải cách hành chính thời gian qua có bước tiến.

Cụ thể, theo khảo sát năm 2015, có 59% cán bộ nhà nước thân thiện, con số này tăng lên 67% vào năm 2017. Năm 2015, nội dung làm việc của các đoàn thanh tra, kiểm tra bị trùng lặp là 26%, giảm xuống còn 13% vào năm 2017. Năm 2015, 11,1% doanh nghiệp được hỏi cho biết phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức, con số này giảm xuống còn 9,8% trong năm 2017.

Niềm tin kinh doanh gia tăng. Năm 2016, 52% doanh nghiệp cho biết mở rộng kinh doanh và đầu tư nước ngoài tăng 60%...

Thế nhưng Việt Nam vẫn chưa đạt chất lượng trong cải thiện môi trường kinh doanh. Trong 10 doanh nghiệp hoạt động hiện nay, có đến 6 doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí không chính thức. Chỉ số khởi sự kinh doanh vẫn cao, đứng thứ 123 trên thế giới.

Nghị quyết 19/2017 đặt ra mục tiêu tham vọng là các chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt trung bình ASEAN 4, Việt Nam cũng ghi dấu ấn khi môi trường kinh doanh được cải thiện 14 bậc trong đánh giá của thế giới.

“Ở phương diện nào đó Việt Nam vẫn chưa đạt được yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh khi chỉ số khởi sự kinh doanh vẫn cao, đứng thứ 123 trên thế giới. Cần các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân để họ bước vào thị trường thuận lợi hơn thì Việt Nam vẫn chưa làm được", ông Tuấn nói.

Trong khởi sự kinh doanh, còn có nhiều thủ tục rườm rà liên quan đến con dấu, mở tài khoản, mua hóa đơn... Số lượng doanh nghiệp rời thị trường còn cao, sức khoẻ doanh nghiệp tư nhân chưa thay đổi căn bản, có xu hướng nhỏ đi về quy mô, làm ăn có lãi thấp, tỷ trọng đóng góp vào xuất khẩu ngày càng giảm.

Để thuận lợi hoá cho doanh nghiệp, cải cách của Chính phủ cần tiếp cận theo hướng đa ngành, bãi bỏ mạnh mẽ các thủ tục gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

"Tôi tham gia hội nghị ở Luang Prabang (Lào), đại biểu Singapore trình bày ấn tượng về khởi sự kinh doanh của nước này, tại đó doanh nghiệp không cần biết đến cơ quan nào cấp phép cả, tất cả đều thực hiện qua mạng theo luật lệ chung.

Còn tại Việt Nam, hiện nay ngay cả đăng ký kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin vào cấp phép, khai thuế... cũng đang nửa vời. Một số thủ tục thì phải gặp gỡ công chức nhà nước, tòa án, thẩm phán mới thu nhập được thông tin", ông Tuấn nêu.

Giảm 12 ngày khởi sự kinh doanh

Đánh giá về bức tranh doanh nghiệp, bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quy trình khởi sự kinh doanh đối với doanh nghiệp được rút ngắn; từ năm 2017 đến nay gồm 8 bước và được hoàn thành trong 12 ngày làm việc (tức giảm 12 ngày so với năm 2016).

Đến nay, thời gian trung bình để các tỉnh cấp đăng ký doanh nghiệp là 2,36 ngày làm việc (quy định là 3 ngày), trong đó có tới 40 tỉnh thực hiện trong 2 ngày.

Năm 2016, cả nước có hơn 110.000 doanh nghiệp thành lập mới; năm 2017 có 127.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập và phong trào khởi nghiệp đang tiếp tục lan rộng, tạo hiệu ứng và chuyển biến tích cực, là kết quả tốt đối với đời sống kinh tế - xã hội...

Riêng 5 tháng đầu năm nay, nền kinh tế đón nhận thêm 52.322 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), muốn đạt mục tiêu như yêu cầu của Nghị quyết 19 của Chính phủ, môi trường kinh doanh Việt Nam cần phải tăng thêm 28 bậc nữa, để có thể đứng trong Top 40 thế giới.

Mặc dù, chỉ số này của Việt Nam tăng mạnh trong năm vừa qua nhưng thực tế đó cho thấy kết quả của các biện pháp nhằm thực hiện cải cách là chưa đạt mong muốn. Doanh nghiệp chưa được thụ hưởng những sự hỗ trợ, phục vụ như ý.

“Các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp có thể tự hỏi, liệu bao lâu nữa, cần bao nhiêu thời gian để đạt được mục tiêu, nội dung của Nghị quyết 19...? Cần xác định rõ là áp lực thời gian là yếu tố và yêu cầu quan trọng hàng đầu với quá trình cải cách cũng như xác định việc xóa bỏ rào cản, vướng mắc cho doanh nghiệp chỉ là mục tiêu nhỏ, có tính chất ban đầu. Vấn đề chủ yếu là làm sao thúc đẩy doanh nghiệp ra đời, phát triển bền vững...”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Theo ông Hiếu, vấn đề là không chỉ cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh mà phải tạo ra sự đột phá, hướng đến những mục tiêu thiết thực và hỗ trợ doanh nghiệp thực chất.

Điều này đòi hỏi sự quyết tâm, kiên trì liên tục từ các cấp điều hành, Chính phủ đến chính quyền các địa phương, bộ, ngành một cách đồng bộ... Đặc biệt, cơ quan quản lý cần xác định rõ tâm quan trọng, có tinh chất quyết định của việc lựa chọn biện pháp phù hợp và việc tổ chức để hiện thực hóa mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Thanh Hằng