Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại Hội nghị xin ý kiến Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) do Bộ Y tế tổ chức ngày 29/8, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho biết, dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế lần này tập trung điều chỉnh 4 chính sách.
Đó là điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; điều chỉnh các quy định về BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám chữa bệnh và phân bổ sử dụng quỹ BHYT hiệu quả.
Cụ thể, dự thảo Luật này sẽ cập nhật thêm các đối tượng có tham gia bảo hiểm xã hội được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội vừa được Quốc hội thông qua. Trong đó, dự thảo Luật có bổ sung đối tượng cần phải tham gia BHYT là người có hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên thay vì quy định 3 tháng trở lên như hiện nay.
Liên quan đến điều chỉnh phạm vi quyền lợi khi tham gia BHYT, bà Trần Thị Trang cho biết, dự thảo Luật lần này mở rộng thanh toán chi phí khám chữa bệnh tại một số cơ sở y tế trong trường hợp đúng tuyến hoặc người dân tự đến khám chữa bệnh.
Ví dụ, Luật Bảo hiểm y tế hiện hành không có quy định Trung tâm y tế huyện khám chữa bệnh ngoại trú nên nhiều người dân khám chữa bệnh tại các cơ sở được thông tuyến tại Trung tâm y tế huyện không được BHYT chi trả.
Vì vậy, dự thảo lần này sẽ cập nhật các Trung tâm y tế huyện có chức năng khám chữa bệnh ngoại trú, có các phòng khám đa khoa khám chữa bệnh ngoại trú, để người dân khi đến đây cũng được hưởng BHYT 100%.
Không cần giấy chuyển viện nhiều lần điều trị bệnh nặng
Đối với một số bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, cần sử dụng kỹ thuật cao, cần điều trị tại các cơ sở y tế tuyến trên, người dân đang phải đi theo trình tự lấy giấy chuyển viện trong năm, gây tốn kém, mất thời gian.
Dự thảo này đang đề xuất lựa chọn một số bệnh mà biết rõ người dân cần lên tuyến trên điều trị và không nhất thiết phải có giấy chuyển viện nhiều lần, vừa thuận tiện cho người dân, vừa tránh phát sinh khám chữa bệnh trùng lặp 2 lần, tức là vừa khám ở tuyến dưới, đồng thời khám lại ở tuyến trên khi chuyển viện.
Hoặc trường hợp mắc một số bệnh mãn tính, sau khi được chẩn đoán, kê đơn ở tuyến trên, người bệnh có thể chuyển về tuyến dưới để theo dõi, điều trị và được hưởng phạm vi thuốc, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế như cơ sở khám chữa bệnh chuyên sâu.
"Đề xuất này của Bộ Y tế nhằm đảm bảo quyền lợi của người mắc bệnh mãn tính, dù ở tuyến trên hay tuyến dưới thì người bệnh đều được hưởng phạm vi quyền lợi và thuốc tốt nhất, phù hợp với năng lực của cơ sở y tế", bà Trần Thị Trang nhấn mạnh.
Dự thảo cũng đề xuất một số trường hợp dù đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở bất kỳ đâu nhưng nếu khám chữa bệnh ở trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực, trung tâm y tế huyện thì cũng hưởng 100% quyền lợi. Đây là điểm khích lệ người bệnh đến với các cơ sở y tế ban đầu.
Ngoài ra, một số điều trị về tật khúc xạ như lác, cận thị… hiện nay, quỹ BHYT mới chi trả cho trẻ dưới 6 tuổi thì tại dự thảo này, Bộ Y tế đề xuất chi trả cho trẻ dưới 18 tuổi thay vì dưới 6 tuổi như hiện nay.
Đề xuất chi trả chi phí vận chuyển người bệnh giữa các cơ sở cùng cấp
Lãnh đạo Vụ Bảo hiểm Y tế cũng cho biết, Bộ Y tế đang điều chỉnh một số nội dung liên quan đến chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt là quy định chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh liên quan đến vận chuyển người bệnh.
Hiện nay, quỹ BHYT thanh toán việc chi trả vận chuyển người bệnh từ huyện lên tỉnh, từ tỉnh lên Trung ương, trong khi việc vận chuyển người bệnh giữa các cơ sở cùng cấp, cùng chuyên môn kỹ thuật chưa được thanh toán. Lần này, Bộ Y tế đề xuất, cứ người bệnh có chỉ định được chuyển cơ sở điều trị là được BHYT thanh toán chỉ định đấy.
Dự thảo Luật BHYT lần này cũng đề xuất điều chỉnh chi phí quản lý quỹ BHYT tối đa 5% như quy định hiện hành xuống tối đa 4% cho hoạt động quản lý quỹ BHYT. Phần còn lại 1% bổ sung vào quỹ khám chữa bệnh BHYT. Như vậy, tổng kinh phí được bổ sung vào quỹ khám chữa bệnh BHYT mỗi năm khoảng 1.100 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được phân bổ, điều tiết ngay từ đầu năm cho các cơ sở y tế triển khai hoạt động khám chữa bệnh BHYT.
"Hiện nay, chi phí quản lý quỹ không quá 5%, nhưng trong nhiều năm, chúng ta không chi tiêu hết chi phí này, nên chúng tôi đề xuất điều chỉnh giảm 1% chi phí quản lý quỹ, cộng thêm 90% kinh phí khám chữa bệnh BHYT để ngay từ đầu năm phân bổ cho các cơ sở y tế chủ động chi cho hoạt động khám chữa bệnh BHYT tại cơ sở", bà Trần Thị Trang nhấn mạnh.
Cũng theo bà Trang, với các điều chỉnh này, Bộ Y tế đã đánh giá tác động của việc cân đối thu chi quỹ BHYT. Đây là vấn đề rất quan trọng. Trong những năm vừa qua, trừ thời gian dịch COVID-19, tỷ lệ người tham gia BHYT ở nước ta luôn gia tăng, số lượt khám chữa bệnh BHYT tăng, chi phí điều trị cũng tăng, vì vậy để đảm bảo cân đối thu chi quỹ, Bộ Y tế đã có những tính toán với các điều chỉnh trên ở mức tối thiểu và có thể vừa với khả năng cân đối của quỹ.
"Năm 2023, tổng thu của quỹ BHYT khoảng 126.000 tỷ đồng, kết dư đến hết tháng 12/2023 còn khoảng 40.000 tỷ đồng. Chúng tôi dự báo là đủ cân đối thu chi, tuy nhiên cũng có những thách thức trong thời gian tới và chúng ta phải tính bài toán thực hiện cân đối", Vụ trưởng Vụ BHYT cho biết.
Liên quan vấn đề thanh toán BHYT cho những bệnh có chi phí điều trị lớn như các bệnh hiểm nghèo, ung thư, bà Trần Thị Trang cho biết, hiện nay, trong danh mục thuốc BHYT chi trả có khoảng 76 thuốc điều trị ung thư, điều hoà miễn dịch... Những thuốc này đang chiếm khoảng 7.600 tỷ/năm cho chi phí điều trị. Đây là quyền lợi lớn đối với người bệnh.
Các quy định hiện hành đang quy định tỷ lệ thanh toán BHYT cho người bệnh (mức hưởng) là đồng đều cho tất cả các bệnh, không có đặc thù với mặt bệnh nào. Đối với bệnh ung thư có một số thuốc điều trị mới, chi phí rất cao nên quỹ BHYT rất khó để có thể thanh toán ngay lập tức hoặc thanh toán 100%.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng danh mục thuốc cập nhật trong danh mục thuốc được BHYT chi trả trên cơ sở đánh giá tác động và cân đối thu chi quỹ BHYT, để tăng quyền lợi cho người bệnh.
Về lâu dài, đại diện Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân nên đi tầm soát bệnh sớm, phát hiện và điều trị sớm, đồng thời giảm sử dụng các yếu tố nguy cơ cao dẫn tới các bệnh ung thư như hút thuốc lá, rượu bia, ăn uống không khoa học…
Dự kiến, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp tháng 9/2024, kịp trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 8.
Hiền Minh