Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Cụ thể, về nguồn vốn đầu tư, đối với dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa thực hiện, đơn vị được huy động vốn theo phương thức trả lãi với lãi suất thỏa thuận tối đa không quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay.
Đối với dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đang được ngân sách nhà nước bố trí vốn để thực hiện, đơn vị tiếp tục được nhà nước đầu tư theo kế hoạch.
Đối với dự án đã sử dụng các nguồn vốn theo quy định nhưng không đáp ứng được tiến độ, đơn vị được vay vốn tín dụng đầu tư của Ngân hàng thương mại để bổ sung nguồn vốn đầu tư; được sử dụng ngân sách chi đầu tư phát triển được giao những năm sau trong phạm vi thời hạn thực hiện dự án theo quy định của pháp luật để trả nợ gốc vay, lãi vay.
Đối với dự án đầu tư mới, đơn vị được nhà nước hỗ trợ phần chênh lệch lãi suất giữa Ngân hàng thương mại và Ngân hàng đầu tư và phát triển.
Dự thảo nêu rõ, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể loại hình, tiêu chí, thẩm quyền quyết định đơn vị được sử dụng ngân sách chi đầu tư phát triển để trả nợ gốc vay và lãi vay trong các trường hợp này.
Về nguồn chi thường xuyên, theo dự thảo, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thuộc nhóm 1, nhóm 2, được xem xét, hỗ trợ một lần kinh phí vào năm đầu thực hiện tự chủ với mức tối đa bằng mức kinh phí thường xuyên giao cho đơn vị năm trước liền kề. Đối với những nghề chưa hoàn thiện được định mức kinh tế kỹ thuật thì Nhà nước thực hiện cấp bù học phí bằng mức chênh lệch giữa học phí của cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc nhóm 1 với mức học phí của chương trình đại trà tại các trường công lập trên cùng địa bàn.
Trường hợp đơn vị hạch toán độc lập đáp ứng các điều kiện, tiêu chí, quy mô theo quy định của Chính phủ về chính sách khuyến khích đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa thì được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế như sau: Miễn thuế đối với phần thu nhập không chia để lại để đầu tư phát triển đơn vị sự nghiệp công; miễn thuế đối với lợi nhuận thu được từ sản phẩm, dịch vụ được tạo ra từ hoạt động đào tạo.
Đồng thời, miễn lệ phí trước bạ đối với việc chuyển những tài sản thuộc quyền quản lý và sử dụng của các đơn vị sự nghiệp công khi liên doanh liên kết thực hiện các hoạt động khoa học công nghệ, tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ phù hợp với ngành, nghề đào tạo. Miễn thuế giá trị gia tăng đối với các hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Giảm thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân tham gia giảng dạy, quản lý ở các trường nghề chất lượng cao, nghề trọng điểm tương tự như cá nhân là nhân lực chất lượng cao làm việc tại các khu công nghệ cao và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo dự thảo, áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian hoạt động đối với việc sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với hoạt động đào tạo, xuất bản giáo trình, tài liệu dạy học, sản xuất và cung ứng thiết bị đào tạo, nhập khẩu sách, báo, tài liệu, thiết bị đào tạo….
Theo dự thảo, đơn vị sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp được đăng ký và phân loại theo mức độ tự chủ về tài chính như sau: Nhóm 1: Đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; nhóm 2: Đơn vị tự đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thường xuyên; nhóm 3: Đơn vị tự đảm bảo một phần kinh phí chi thường xuyên (do giá, phí dịch vụ sự nghiệp công chưa kết cấu đủ chi phí, được nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá, phí chưa tính đủ chi phí); nhóm 4: Đơn vị do nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thường xuyên (theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, không có nguồn thu hoặc nguồn thu thấp). |
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Tuệ Văn