Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Đại diện các bên tại lễ công bố quyết định sáp nhập GPBank và Vietinbank |
Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) được chỉ định tham gia quản trị, điều hành đồng thời kiện toàn Hội đồng quản trị, Ban điều hành và Ban Kiểm soát của GPBank.
Trong thông báo của mình, NHNN khẳng định toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại GPBank được đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Quyết định trên được đưa ra sau 3 lần đại hội cổ đông bất thành của GPBank, không thông qua được phương án tăng vốn điều lệ.
NHNN cho biết: Từ năm 2012, GPBank bị thua lỗ trong kinh doanh, âm vốn chủ sở hữu và quản trị, điều hành kém hiệu quả. Trong 3 năm qua, GPBank được tạo điều kiện để tự tái cơ cấu, nhưng đã không trình được phương án khả thi và tiếp tục bộc lộ nhiều yếu kém. Do vậy, NHNN đã đưa GPBank vào diện kiểm soát đặc biệt, đồng thời yêu cầu thuê tổ chức độc lập kiểm toán và định giá tài sản để xác định giá trị thực của vốn điều lệ, từ đó tăng vốn đảm bảo an toàn hệ thống đúng quy định.
GPBank là trường hợp thứ ba được mua lại với giá 0 đồng, sau Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và Ngân hàng Đại dương (OceanBank).
Trong các trường hợp mua lại, NHNN đều chỉ định một ngân hàng quốc doanh tham gia quản trị, điều hành. Trong đó, ngoài Vietcombank tham gia điều hành tại VNCB, Vietinbank đến nay đã nhận hỗ trợ 2 ngân hàng là OceanBank và GPBank.
Việc mua lại một số ngân hàng yếu kém với giá cổ phiếu là 0 đồng nằm trong kế hoạch của NHNN từ đầu năm trong việc thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, việc mua lại như vậy là phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Một khi các cổ đông làm mất hết vốn của mình và thậm chí dùng vốn xã hội thì các cổ đông đó không còn chỗ đứng nữa và NHNN tiếp quản lại để giữ ổn định hệ thống cũng như đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp trong hệ thống đó.
Huy Thắng