Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Giá quặng sắt đã duy trì xu hướng giảm trong suốt 9 tháng đầu năm do sức ép từ nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh tại Trung Quốc. Tuy nhiên, cuối tháng 9, bất chấp việc không có sự cải thiện nào về yếu tố cơ bản, giá quặng sắt dần phục hồi và tăng hơn 14% chỉ trong vòng ba tuần. Nguyên nhân chính hỗ trợ cho giá lại xuất phát chủ yếu từ yếu tố tâm lý. Do vậy, triển vọng giá quặng sắt trong giai đoạn cuối năm vẫn còn gặp nhiều thách thức do lực cản lớn từ yếu tố tiêu thụ.
Bài toán nhu cầu của Trung Quốc gây áp lực lên giá quặng sắt
Sau giai đoạn phục hồi vào cuối năm ngoái, giá quặng sắt nhanh chóng suy yếu trở lại và duy trì xu hướng giảm kể từ đầu năm đến nay.
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), tính từ đầu năm nay đến giữa tháng 9, giá quặng sắt niêm yết trên Sở Giao dịch Hàng hóa Singapore (SGX) đã giảm khoảng 35% về vùng giá 91 USD/tấn, thậm chí đã có thời điểm giảm về mức đáy gần hai năm.
Lý giải cho đà lao dốc này, ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc MXV cho biết: “Nguyên nhân chính gây sức ép lên giá quặng sắt trong giai đoạn này là do nhu cầu giảm mạnh tại thị trường tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc, với lực cản lớn nhất đến từ lĩnh vực bất động sản. Mặc dù nhu cầu tăng nhẹ ở các lĩnh vực khác như sản xuất, đóng tàu… tuy nhiên mức tăng này không đủ để bù đắp cho nhu cầu sụt giảm mạnh trong phân khúc bất động sản”.
Dữ liệu từ công ty tư vấn SteelHome cho thấy, kể từ khi giảm về mức thấp nhất 7 năm vào tuần cuối cùng của tháng 10 năm ngoái, tồn kho quặng sắt tại các cảng Trung Quốc liên tục tăng mạnh trong 12 tháng qua và hiện đang duy trì quanh 150 triệu tấn, cao nhất 2 năm gần đây.
Bên cạnh đó, áp lực không chỉ đến từ nhu cầu yếu tại Trung Quốc, nguồn cung quặng sắt dư thừa cũng là yếu tố gây sức ép đáng kể lên giá. Vale, tập đoàn khai thác quặng sắt lớn nhất toàn cầu, đã báo cáo sản lượng tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái lên 242,2 triệu tấn trong 3 quý đầu năm nay. Chỉ tính riêng quý III, Vale đã nâng sản lượng lên mức cao nhất 6 năm là 91 triệu tấn. Hai nhà sản xuất quặng sắt lớn khác là Rio Tinto và BHP cũng báo cáo sản lượng quặng sắt tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm nay.
Tuy nhiên, bất chấp việc không có sự thay đổi nào trong yếu tố cơ bản, vào tuần cuối cùng của tháng 9, giá quặng sắt đã phục hồi và bật tăng mạnh mẽ. Theo ghi nhận của MXV, trong 3 tuần từ ngày 23/9 đến 13/10, giá quặng sắt đã đảo chiều tăng giá từ mức đáy 22 tháng lên vùng giá 105-106 USD/tấn, thậm chí có thời điểm chạm đỉnh 3 tháng ở mức 110,5 USD/tấn. Chỉ trong 3 tuần này, giá quặng sắt đã lấy lại hơn 14% giá trị. Vậy, liệu giá quặng sắt đã bước vào giai đoạn phục hồi sau thời gian dài lao dốc hay chưa?
Để trả lời cho câu hỏi này, cần hiểu rõ nguyên nhân vì sao giá quặng sắt tăng trong thời gian gần đây. Cụ thể hơn, vào tuần cuối cùng của tháng 9, Chính phủ Trung Quốc đã tung ra gói kích thích kinh tế lớn nhất và quan trọng nhất kể từ đại dịch COVID-19 nhằm vực dậy nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.
Kể từ đó tới nay, các nhà lãnh đạo nước này liên tục ban hành nhiều chính sách hỗ trợ khác, bao gồm cả việc cam kết triển khai các gói kích thích tài khóa, thể hiện quyết tâm cao nhằm giúp nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay. Những động thái này đã làm tăng kỳ vọng tiêu thụ quặng sắt sẽ cải thiện tại nước này, qua đó hỗ trợ cho giá bứt phá tăng mạnh. Tuy nhiên, do lực hỗ trợ chủ yếu đến từ yếu tố tâm lý, đồng thời các chính sách này cần thêm thời gian để phát huy hiệu quả, giá quặng sắt khó có thể duy trì đà tăng bền vững trong dài hạn nếu không có sự cải thiện về yếu tố cung – cầu trên thị trường.
Đánh giá về triển vọng giá quặng sắt giai đoạn cuối năm, ông Quang nhận định: “Trong vài tuần trở lại đây, nguyên nhân chính hỗ trợ cho giá quặng sắt chủ yếu là nhờ sự cải thiện trong tâm lý thị trường sau khi Trung Quốc công bố gói kích thích kinh tế quy mô lớn. Đặt trong bối cảnh ngành sắt thép Trung Quốc vẫn còn nhiều khó khăn như hiện tại, đây được coi là tia hy vọng hiếm hoi giúp cho thị trường có niềm tin về sự phục hồi của ngành công nghiệp khổng lồ của nước này. Tuy nhiên, do nguyên nhân phần lớn xuất phát từ yếu tố tâm lý, đà tăng này của giá quặng sắt khó duy trì được lâu. Yếu tố thị trường cần quan tâm nhất hiện tại vẫn là nhu cầu thực tế tại Trung Quốc”.
Xét trong bối cảnh hiện tại, nhu cầu quặng sắt tại nước này vẫn chưa có nhiều cải thiện mà chủ yếu chỉ tăng theo yếu tố mùa vụ cơ bản. Về triển vọng quý cuối năm nay, nhu cầu quặng sắt nhìn chung sẽ còn bị kìm hãm bởi triển vọng u ám của ngành thép khi lĩnh vực bất động sản vẫn còn trầm lắng.
Hiệp hội Thép thế giới (WorldSteel) mới đây cũng dự báo nhu cầu thép của Trung Quốc, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu thép toàn cầu trong 2 thập kỷ qua, dự kiến sẽ giảm năm thứ tư liên tiếp xuống còn 869 triệu tấn trong năm nay, từ đó đe dọa đến nhu cầu đối với nguyên liệu thô quan trọng hàng đầu là quặng sắt. Do vậy, khi triển vọng nhu cầu vẫn còn chìm trong gam màu xám, giá quặng sắt chưa thể đảo chiều sang xu hướng tăng giá mới và sẽ còn phải chật vật để giữ được mốc 100 USD/tấn trong cuối năm nay. Sang tới mùa Xuân năm sau, triển vọng giá mới sáng hơn khi nhu cầu cải thiện trong mùa tiêu thụ cao điểm.